Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 05:49

Góc đoàn viên

Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng - Hành trình về nguồn

05/07/2024

​Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chi bộ Cơ quan thường trực và đoàn cán bộ, nhân viên Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng (CQTT HHNH) đã có chuyến hành trình về nguồn ý nghĩa, đầy cảm xúc lắng đọng tại một số tỉnh miền Trung. Đoàn do Bí Thư Chi bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng làm trưởng đoàn.

Trong hành trình về nguồn từ ngày 29/6 - 2/7/2024, đoàn cán bộ CQTT HHNH đã tới dâng hương tại: Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tỉnh Quảng Bình; nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Khu di tích Thành cổ Quảng Trị ở tỉnh Quảng Trị.
Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong thời tiết nắng ráo ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, đoàn cán bộ CQTT HHNH đã tới dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Mộ Đại tướng nằm cách đường Quốc lộ 1 khoảng 2km và cách đèo ngang - nối 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh - hơn 3km. Khung cảnh nơi đây yên bình, thơ mộng, được bao bọc bởi 3 hòn đảo bình phong lần lượt là Hòn Gió, Hòn Nồm và Hòn La, phía trước là biển rộng lớn, xung quanh là rừng bạt ngàn xanh tươi.
Nghiêm trang dâng những nén hương lên phần mộ Đại tướng, đoàn bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc đối với “Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, cũng là người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng được thế giới tôn vinh là nhà chỉ huy kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đứng trước phần mộ Đại tướng, đoàn cán bộ CQTT HHNH nguyện học tập và noi gương Đại tướng, mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Ngày 1/7, Đoàn cán bộ CQTT HHNH về với mảnh đất Quảng Trị - nơi có lịch sử chiến tranh đầy bi thương, diễn ra nhiều trận chiến khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mảnh đất từng bị chia cắt bởi sông Bến Hải, đánh dấu ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Nghĩa trang Trường Sơn quy tập 10.333 phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn - còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.
Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất và có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn cán bộ nhân viên CQTT đã kính cẩn dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm, mộ các liệt sĩ để tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; nguyện hứa tiếp bước cha, anh xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, phồn vinh.
Di tích lịch sử thành cổ Quảng Trị gắn liền với sự kiện 81 ngày đêm hào hùng
Cùng ngày, Đoàn cán bộ CQTT HHNH tiếp tục hành trình về với Khu Di tích lịch sử thành cổ Quảng Trị - một trong những địa danh nổi tiếng tại Quảng Trị, nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt năm 1972.
Thành Cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thành Cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam.
Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1972, Thành Cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. Vào mùa hè năm 1972 ấy, tại Thành Cổ, có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này,
Để bảo vệ Thành Cổ, hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân và bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Thành Cổ Quảng Trị ngày nay được coi là nghĩa trang "không có nấm mồ", là ngôi mộ chung cho tất cả những người lính đã ngã xuống vì hoà bình, độc lập, tự do của tổ quốc.
Đứng trước di tích này, đoàn cán bộ CQTT HHNH không giấu nổi cảm xúc và niềm xúc động khôn tả trước lòng dũng cảm, sự hi sinh của những người lính đã chiến đấu anh dũng, kiên cường.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành Cổ Quảng Trị đoàn cán bộ CQTT HHNH đã tiến hành lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sỹ.
Rời khuôn viên Thành cổ, đoàn cán bộ tập trung về bờ sông Thạch Hãn để thả hoa đăng tưởng nhớ và tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Bến thả hoa là một công trình được xây dựng cho nhân dân, cán bộ, khách tham quan các nơi về đây đặt, cắm hương hoa và thả hoa đăng xuống dòng sông để tưởng nhớ hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này.
Viếng thăm quần thể Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - nơi yên nghỉ của 10 nữ thanh niên xung phong
Tiếp nối hành trình, sáng ngày 2/7, đoàn công tác CQTT HHNH dừng chân tại quần thể Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Nơi "đất lửa" ngã ba Đồng Lộc đã chứng kiến 10 cô gái hy sinh cho nền độc lập dân tộc.
Vị trí ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 (Hà Tĩnh). Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Chính vì sự hiểm yếu này mà không quân Mỹ đã liên tục cho máy bay ném bom đánh phá Đồng Lộc, nhằm mục đích cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam. Vì thế, Đồng Lộc còn được mệnh danh là “tọa độ chết” khi mỗi m2 nơi đây đều phải gánh tới 3 quả bom tấn.
Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 (do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng) thuộc Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa ném bom để thông đường cho xe đi qua. Nhận nhiệm vụ, các chị đã đến hiện trường gấp rút san lấp, mở đường. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã rơi trúng 10 cô gái. Cả trận địa lặng đi, rồi vỡ òa bởi tiếng khóc của các đồng đội. Các chị đã hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời.
Và còn rất nhiều những tấm gương liệt sĩ anh hùng trong số hơn 4.000 người con đất Việt đã nằm lại nơi mảnh đất “máu và hoa” này. Bởi vậy, dù đã 56 năm trôi qua, ngã ba Đồng Lộc vẫn là nơi mà hàng triệu trái tim người Việt hướng về.
Hôm nay, Đồng Lộc đã đổi thay với rừng thông xanh tít tắp. Đoàn công tác CQTT HHNH đã chọn ghé thăm khu di tích ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ cuối cùng trong chuỗi hành trình về nguồn để “sống lại” trang sử đau thường mà hào hùng của dân tộc. 10 ngôi mộ ở dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm chỉ 30m. Hố bom nơi 10 chị hy sinh vẫn nằm ở vị trí cũ.
Hít thở bầu không khí lắng đọng, trang nghiêm tại đây, đoàn kính cẩn thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ 10 người con gái anh hùng đất Việt - các chị là tấm gương người phụ nữ Việt Nam bất khuất, quả cảm; là biểu tượng sáng ngời về ý chí, sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm, độc lập, tự chủ của quân và dân ta.
Nhớ lại những nơi đã đi qua, mỗi thành viên trong đoàn đều không khỏi dâng lên cảm xúc lắng đọng, nghẹn nghào.
Hành trình về nguồn ý nghĩa tại mảnh đất lịch sử miền Trung hào hùng và vinh quang là một trải nghiệm đáng nhớ, đầy ý nghĩa đối với mỗi thành viên đoàn cán bộ CQTT HHNH.
Minh Ngọc - HHNH

Tin cùng chuyên mục