Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 03:56

Sáng tác của đoàn viên

Vượt qua bạo bệnh, thắp sáng niềm tin hướng tới tương lai

26/11/2024

Câu chuyện vượt qua bệnh tật của anh Trần Phú Dũng, Trưởng phòng - Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường và sự không từ bỏ.

Hành trình chống chọi với căn bệnh ung thư của anh không chỉ là cuộc chiến với bệnh tật mà còn là biểu tượng cho tình yêu thương và sự chăm lo, giúp đỡ của Công đoàn.

Tác giả bài viết tham gia Hội thao khoa học do cơ quan tổ chức. Ảnh: NVCC

Nghĩ đến tương lại tươi đẹp, tôi quyết tâm đương đầu với bệnh tật

Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi sáng mùa Xuân năm 2020. Khi tôi cảm thấy cơ thể mình có nhiều biểu hiện bất thường. Những cơn đau nhức xuất hiện không rõ lý do, và tình trạng mệt mỏi kéo dài khiến tôi lo lắng. Sau một thời gian trì hoãn, tôi quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả chẩn đoán như sét đánh ngang tai: tôi bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Khi bác sĩ thông báo, lòng tôi như thắt lại, trời đất như sụp đổ. Nước mắt không ngừng rơi khi nghĩ đến tương lai của bản thân và gia đình, của các con nhỏ còn thơ ngây. Tôi đã không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài việc mình sẽ mất đi cơ hội sống, tôi nhớ lại khoảnh khắc đau đớn đó. Dù cảm thấy choáng váng, tôi biết rằng mình cần phải quyết tâm chiến đấu.

Không để nỗi sợ hãi chiếm lĩnh, tôi quyết định đối diện với căn bệnh. Tôi không thể gục ngã. Tôi còn có gia đình, còn có những ước mơ chưa thực hiện, tôi tự nhủ lòng mình. Rồi chính nhờ vào sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh.

Tôi bắt đầu hành trình điều trị đầy gian nan, vất vả nhưng cũng với một tâm thế lạc quan. Lộ trình đầu tiên là tôi trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp, kéo dài hơn 4 tiếng. Sau khi các bác sỹ mổ cắt hết khối u, tôi nằm bệt suốt một tuần, không thể gượng dậy nổi. Mỗi lần muốn ngồi dậy phải có hai người xốc nách hai bên. Tiếp theo là những buổi hóa trị diễn ra trong đau đớn, nhưng tôi luôn cố gắng giữ cho tinh thần mình vững vàng.

Rồi những lần lấy ven tay, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, những lần chọc, mổ, rút, chích khiến hai cánh tay của tôi như rã rời, kiệt sức trong đớn đau. Vì tiêm chích quá nhiều hóa chất nên hai cánh tay tôi bị cháy hết ven, không còn chỗ để lấy ven, luồn kim tiêm, bắt buộc phải gắn ống trực tiếp lên ngực để truyền thuốc, truyền dịch, truyền hoá chất độc hại vào người.

Vì khối u lớn nên tôi phải trải qua hơn 30 lần xạ trị. Dù mỗi lần nằm trên lồng máy xạ trị chỉ vỏn vẹn có dăm ba phút nhưng với tốc độ tia xạ bắn vào khối u rất cao, bắn thẳng trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt tế bào độc đã vô tình làm cháy sạm cả những những vết da thịt xung quanh, bật ứa gây chảy máu. Tôi như chìm trong đau đớn, kiệt sức và phải tạm dừng điều trị.

Lúc này, cảm giác như tôi sẽ lìa xa. Nhưng không, trước mắt tôi còn có vợ con, còn cả một sự nghiệp đang tươi sáng đón chờ, bởi tôi mới kết thúc khóa học tại Mỹ được vài tháng, cơ hội cho cống hiến, phát triển đang chờ đón tôi. Vì suy nghĩ đến những điều tốt đẹp đó, nên những đơn đau hành hạ đã bị nghị lực của tôi lấn át, tôi càng phải kiên cường và không chịu khuất phục.

Rồi mỗi lần đến bệnh viện, tôi thường mang theo một cuốn sách hay, hoặc những bức tranh của con trai tôi, một chàng trai 18 tuổi đang chuẩn bị bước vào đại học vẽ tặng bố. Những điều nhỏ bé ấy khiến tôi cảm thấy cuộc sống này vẫn còn đẹp…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thăm hỏi, chia sẻ, động viên đoàn viên, người lao động (tác giả đứng thứ 5 từ phải sang)- Ảnh: Minh Hiếu - TBNH

Vượt qua bạo bệnh, trở thành tấm gương về nghị lực sống

Trong những tháng ngày trị liệu, tôi lại được sự quan tâm, thăm hỏi và sự đồng hành của Công đoàn nơi tôi làm việc đã tạo ra một động lực lớn. Khi hay tin tôi bị bệnh, các đồng nghiệp đã tổ chức một buổi quyên góp, giúp đỡ tôi về tài chính và tinh thần.

Ban Chấp hành Công đoàn cũng như các đoàn viên trong phòng thường xuyên thăm hỏi, gửi tin nhắn động viên, và tổ chức các hoạt động giúp tôi cảm thấy không cô đơn trong cuộc chiến này. Mỗi lời động viên từ đồng nghiệp như một liều thuốc tinh thần, giúp tôi có thêm sức mạnh để vượt qua. Sự quan tâm của mọi người đã giúp tôi tìm thấy niềm vui ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

Công đoàn cơ quan không chỉ chăm lo về mặt vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho tôi để giúp tôi vượt qua khó khăn, bệnh tật. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến xuân về, Công đoàn cấp trên luôn tổ chức gặp mặt những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, lãnh đạo ngành dù bận trăm công nghìn việc liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhưng vẫn ưu ái, quan tâm và dành thời gian để gặp gỡ trực tiếp thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà, thể hiện tình cảm chung, trách nhiệm chung đối với các cán bộ, đoàn viên trong cơ quan.

Qua đây cũng thể hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn chăm lo, động viên cán bộ, nhân viên vượt qua những khó khăn cả trong công tác cũng như trong cuộc sống. Điều đó đã giúp tôi cũng những anh chị em khác quyết tâm chữa trị để khỏi phụ lòng yêu thương của các cấp lãnh đạo cơ quan.

Những ai đã và đang điều trị bệnh hiểm nghèo mới thấm thía được hành trình điều trị căn bệnh quái ác này không hề dễ dàng mà đầy gian nan, thử thách. Những cơn đau đớn vật vã, hành hạ làm cho tôi mệt mỏi và nhiều khi tưởng chừng như khó mà vượt qua.

Mỗi khi tăng liều hóa chất độc vào cơ thể không thích ứng kịp đều gây ra những phản ứng, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, và có những lần mạch tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, toàn thân tê cứng đã hành hạ cơ thể tôi. Mỗi lần điều trị như một lần thử thách sức mạnh của bản thân. Có những lúc, tôi cảm thấy không còn sức lực để đứng dậy, nhưng hình ảnh các con, ánh mắt trong trẻo và sự ngây thơ của chúng lại khiến tôi không thể gục ngã.

Trên gường bệnh, tôi thường nhớ về hai đứa con nhỏ, con trai lớn 18 tuổi, con gái 16 tuổi, lứa tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng, chúng đang độ tuổi cuối cấp chưa thể tự lực cánh sinh. Tôi lại càng thương vợ tôi hơn, một mình phải lo toan, gánh vác kinh tế và dạy bảo các con. Tôi muốn chúng lớn lên trong một môi trường yêu thương, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần.

Tôi muốn dạy các con rằng, trong cuộc sống, dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải kiên cường đứng lên. Nghĩ đến sự vất vả của vợ, sự thiệt thòi của con, lòng tôi lại ầm thầm đau đớn thêm và hằng đêm, tôi không hề ngủ được, nước mắt cứ tự thế tuôn trào.

Sau nhiều tháng điều trị, ngày tôi nhận được tin vui đến như một phép màu. Bác sĩ thông báo rằng bệnh tình đã thuyên giảm, và tôi có thể trở về nhà. Hạnh phúc trào dâng trong lòng tôi. Ngày trở về, tôi đã ôm chầm lấy vợ con, nước mắt rơi nhưng là nước mắt của hạnh phúc. Ngày đó, tôi cảm nhận được giá trị của cuộc sống một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Không gì quý giá hơn được trở về bên gia đình.

Khi hồi phục, tôi trở lại làm việc với tâm thế mới. Những buổi đầu trở lại công sở, tôi luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp, công đoàn quan tâm động viên và có những ưu ái nhất định để tôi vừa đi làm, vừa dành thời gian thăm khám lại bệnh. Trở lại công việc thường ngày, tôi bắt tay vào nghiên cứu và làm việc chuyên môn. Mọi người ngạc nhiên khi thấy tôi da dẻ hồng hào, sắc mặt tươi vui và luôn có tinh thần tốt.

Sau cơn bạo bệnh, nghị lực phấn đầu của tôi được coi như không chỉ là một cán bộ công chức bình thường mà còn trở thành biểu tượng cho nghị lực sống. Hình ảnh tôi trở lại với nụ cười tươi sáng và ánh mắt tràn đầy năng lượng đã khích lệ nhiều người xung quanh. Tôi bắt đầu tham gia tích cực vào các hoạt động của công đoàn, chia sẻ kinh nghiệm và động viên những người có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Ở nơi tôi sinh sống, tôi luôn tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho công đồng dân cư, như vệ sinh khu dân cư sạch đẹp, tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi, thăm hỏi người già, người ốm, người yếu thế.

Trong cuộc sống, trước những khó khăn, vận hạn nếu chúng ta có niềm tin và nghị lực, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn và tôi muốn mọi người cảm nhận được điều đó.

Trần Phú Dũng (theo https://laodongcongdoan.vn)

***

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024.

Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected]



Tin cùng chuyên mục