Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ ba, 21/01/2025 | 13:09

Tin tổng hợp

Ngân hàng miền biên ải…

14/01/2015

“Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào cao hơn. Như đầu sông đầu suối. Như đầu mây đầu gió…” Ở nơi đầu mây đầu gió ấy, ngoài việc đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, vững mạnh, họ còn là người đi đầu trong hoạt động xóa đói giảm nghèo, đưa chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến với người dân… Nhờ họ, nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên thành những tỷ phú…

 “Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào cao hơn. Như đầu sông đầu suối. Như đầu mây đầu gió…” Ở nơi đầu mây đầu gió ấy, ngoài việc đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, vững mạnh, họ còn là người đi đầu trong hoạt động xóa đói giảm nghèo, đưa chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến với người dân… Nhờ họ, nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên thành những tỷ phú…

1. “Ngân hàng miền biên ải chúng tôi cứ như người làm dâu trăm họ ấy, ngoài chuyên môn của ngân hàng, chúng tôi còn tham gia đưa chính sách, chủ trương của Chính phủ đến với đồng bào, tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh…” lời tâm sự của anh Hà Đức Lượng – Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Việt Nam chi nhánh Lai Châu (Agribank Lai Châu) đã thôi thúc tôi lên đường về với Ngân hàng miền biên ải để hiểu hơn những việc mà các anh các chị đã và đang làm nơi địa đầu tổ quốc... Hầu hết những chính sách, chủ trương lớn của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội đều được triển khai qua hệ thống ngân hàng. Để ngân hàng đưa vốn xuống với người dân. Mới đây nhất, thực hiện Nghị quyết 30A về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Agribank chi nhánh Điện Biên đã nhận sự ủy thác của Agribank Việt Nam hỗ trợ 160 tỷ đồng cho 2 huyện Tủa Chùa và Mường Ảng. Số vốn ấy được Agribank Điện Biên hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, xây dựng nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi, xây dựng trạm xá xã, trường học...

Sau những khúc cua tay áo, những con dốc sâu thăm thẳm chìm trong sương chúng tôi đến với huyện Sìn Hồ - Lai Châu. Trước mắt chúng tôi là khu nhà nội trú Trường phổ thông trung học xã Nậm Tăm, 2 tầng kiên cố với 10 phòng đầy đủ trang bị nội thất. Công trình đảm bảo cho 80 học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Sìn Hồ theo học nội trú trị giá trên 3 tỷ đồng này là công sức đóng góp của cán bộ nhân viên Agribank Lai Châu. Trước kia khi chưa có nhà ở các em phải ở trọ trong nhà dân quanh trường, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn. Công trình đã tạo cho các em học sinh vùng cao một môi trường học tập tốt hơn. Ông Lò Văn Chiêng - Bí thư xã Nậm Tăm không giấu nổi niềm vui bởi trước khi có công trình các em học sinh phải trọ học rất vất vả. Vì từ xã xa nhất của huyện về đây học cũng đã cả trăm km đường núi rồi. Không chỉ ở Lai Châu, những ngân hàng ở miền biên ải như Điện Biên, Lào Cai, hay Đắk Lắk… đều xác định công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Coi việc đùm bọc, hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình chính sách là vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng.


2. Là những ngân hàng “chốt” chặn ngay biên thùy của tổ quốc, việc ngăn chặn tiền giả, bảo vệ đồng tiền Việt Nam luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong hoạt động của ngân hàng. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn, ông Nông Văn Thới cho biết, cán bộ ngân hàng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như công an, hải quan, biên phòng… trong các chuyên đề phòng chống tiền giả. Ngay khi phát hiện tiền nghi giả, ngân hàng sẽ cử cán bộ phối hợp để cho kết quả giám định nhanh nhất. Mặt khác, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng là những “chốt” vững chắc ngăn chặn tiền nghi giả đi vào hệ thống. Thực tế cho thấy, các ngân hàng đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện và thu giữ khá nhiều tiền nghi giả, qua đó đảm bảo cho hệ thống tiền tệ Việt Nam luôn vững mạnh.

3. Ở nơi miền biên ải xa xôi ấy, nhiều gia đình đã có những cuộc “đổi đời” đầy ngoạn mục, từ đói nghèo họ trở thành đủ ăn, đủ tiêu rồi trở thành những hộ làm ăn có kinh tế khá giả, con cái được theo học đầy đủ. Để làm nên những “điều kỳ diệu” thầm lặng ấy, cán bộ ngân hàng nơi địa đầu tổ quốc phải vượt đèo lội suối, đưa vốn xuống với đồng bào, rồi hướng dẫn đồng bào cách làm kinh tế trên mảnh đất của mình sao cho hiệu quả nhất.

Cán bộ tín dụng Agribank Đắk Nông khảo sát nhu cầu vay vốn của nông dân trong tỉnh

Trong căn nhà khang trang, anh Lầu A Shi (Đắk Nông) khi nói chuyện với chúng tôi anh vẫn ngỡ mình đang nằm mơ khi đang sở hữu một trang trại có doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Từ hai bàn tay trắng, không đất, không nhà anh lên Đắk Nông lập nghiệp… “Ngân hàng đã giúp tôi quá nhiều, bởi khi lên đây lập nghiệp tôi chỉ có 7 triệu đồng!”. Mạnh dạn gõ cửa ngân hàng, và được Agribank Đắk Nông cho vay 49 triệu đồng, anh mua 4 ha đất (trị giá 42 triệu đồng), lăn lộn trồng cà phê… Cà phê bị “lỗ nặng” không đủ tiền phân, tiền ăn anh lại được Agribank Đắk Nông “cứu” khi cho khoanh nợ. 3 năm sau cà phê lên giá anh trả được hết nợ và được Agribank Đắk Nông cho vay thêm 70 triệu. Có vốn trong tay, anh mua thêm 6 ha đất và chuyển sang trồng cam, bưởi, hồ tiêu... Cây hợp đất, cho quả và bán được giá, anh vươn lên từ đó. “Agribank đã giúp tôi quá nhiều, chỉ cần có kế hoạch rõ ràng và khả thi thì ngân hàng rất ủng hộ. Mặc dù trong lần vay đầu tiên 49 triệu đồng bị thua lỗ song khi tôi tiếp tục xin vay 70 triệu ngân hàng vẫn ủng hộ tôi và giờ đây khi tôi vay hơn 500 triệu đồng để kinh doanh phân bón ngân hàng vẫn đồng hành cùng tôi, cái tình ấy có khi nào tôi quên được”… anh chia sẻ. 

4. Ngân hàng miền biên ải, ngoài nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế địa phương họ còn là những chiến sỹ đi đầu trong phòng chống tệ cho vay nặng lãi, ngăn chặn nguồn tín dụng đen. Là cánh buồm cho các dự án kinh tế của địa phương, của mỗi gia đình, giúp đồng bào vươn lên làm giầu chính đáng. Với họ, mỗi dự án của đồng bào, mỗi đồng vốn họ bỏ ra đều thấm đẫm bao mồ hôi, công sức nhưng họ biết công sức ấy là để cho nền kinh tế ngày càng vững mạnh hơn, đồng bào đủ cơm ăn áo mặc. Và trên tất cả đó còn là sự bình yên vùng biên ải. “Chiều biên giới em ơi. Nhớ bao điều thân thương”… vâng còn nhiều, nhiều lắm những gì mà các anh, các chị ngân hàng nơi “đầu mây đầu gió” đã và đang làm mà trong khuôn khổ bài viết nhỏ này chưa thể hiện được, chỉ biết rằng toàn Ngành đã và đang hướng về các anh, các chị với bao trân trọng, yêu thương như những gì nhạc sỹ Trần Chung đã viết trong ca khúc “Chiều biên giới”./. 

Anh Hòa (ảnh: báo Đắk Nông)

Tin cùng chuyên mục