Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 02/05/2025 | 19:37

Tin tổng hợp

Thuốc lá, kẻ "gieo rắc" những cái chết thầm lặng

02/05/2025

Khi một làn khói thuốc bay lên, ít ai hình dung trong đó là hơn 7.000 hóa chất độc hại, hàng trăm chất gây tổn thương trực tiếp và 70 chất gây mầm ung thư.

Đó không chỉ là hơi thở ô nhiễm, mà còn là bản án “tử thần” lặng lẽ, khắc sâu lên từng lá phổi, từng mạch máu, từng nụ cười thơ trẻ. Đã đến lúc, nhân loại phải đối diện và quyết liệt hành động để chấm dứt thảm họa mang tên "khói thuốc lá".

Khi một người châm lửa cho điếu thuốc mà không biết rằng chính họ đang “châm ngòi” cho một quá trình tự hủy hoại âm thầm nhưng dữ dội. Thống kê cho thấy thuốc lá gây ra 90% ca ung thư phổi, 75% ca phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Và trong số 10 người chết vì ung thư phổi, có tới 9 người từng hút thuốc lá. Những con số ấy không chỉ đơn thuần là thống kê, chúng là lời “kêu cứu” nghẹn ngào từ hàng triệu sinh mạng đang vật vã từng ngày dưới làn khói “tử thần”.

Thuốc lá là một sản phẩm tưởng chừng vô tri lại ẩn chứa sức tàn phá khủng khiếp đối với cơ thể con người. Trong mỗi làn khói thuốc có chứa hơn 7.000 hóa chất​, trong đó hàng trăm loại được xác định là có hại cho sức khỏe và khoảng 70 loại trực tiếp gây ung thư​.

Ung thư phổi là căn bệnh mà thuốc lá gây ra không bùng phát ồn ào như những bệnh cấp tính. Nó thầm lặng phát triển qua từng ngày, từng tế bào phổi bị tổn thương, biến đổi, ác tính hóa. Khi những triệu chứng đầu tiên như ho kéo dài, đau ngực, khó thở xuất hiện cũng là lúc căn bệnh đã bước vào giai đoạn muộn, khi cơ hội cứu chữa trở nên mong manh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) từng đau đáu, ung thư phổi là sát thủ thầm lặng, mà thuốc lá chính là đồng phạm trung thành nhất. Bi kịch ở chỗ, rất nhiều người khi phát hiện ra bệnh thì chỉ còn đếm từng ngày sống sót.

Không chỉ vậy, thuốc lá còn là thủ phạm đứng sau 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), căn bệnh khiến bệnh nhân phải sống trong những năm tháng cuối đời với từng nhịp thở đau đớn, khó khăn, phụ thuộc vào máy thở​.

Chưa dừng lại ở đó, 25% các ca bệnh tim thiếu máu cục bộ – nguyên nhân hàng đầu gây đột tử cũng có “bàn tay đen tối” của thuốc lá​. Thuốc lá không chỉ là một thói quen cá nhân. Đó là nguồn cơn của những bi kịch gia đình, của sự đứt gãy bao số phận con người.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trăn trở, mỗi khi một người châm lửa cho điếu thuốc, cũng là lúc họ thắp lên trong cơ thể mình ngọn lửa âm ỉ của bệnh tật, của cái chết chậm chạp mà đau đớn.

Một hơi thở chứa độc có thể làm ngưng lại nhịp tim, gây tổn thương niêm mạc phổi, thúc đẩy tế bào đột biến thành ung thư. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hít một hơi thuốc lá cũng giống như tự đưa vào cơ thể một loạt chất độc công nghiệp.

Từ nicotin chất gây nghiện mạnh, đến formaldehyde hóa chất ướp xác, benzopyrene chất gây ung thư bậc nhất. Hậu quả không chỉ là những cơn ho triền miên, mà là ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ đang rình rập từng tế bào cơ thể.

Những con số do Bộ Y tế công bố khiến bất cứ ai cũng phải giật mình. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Việt Nam​. Thuốc lá không chỉ giết chết sinh mạng, nó còn hút cạn nguồn lực quốc gia.

Chi phí y tế cho điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra chiếm tỷ lệ đáng kể trong ngân sách, làm chậm nhịp bước phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính là 108.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, bảo vệ thế hệ tương lai trước hiểm họa thuốc lá không chỉ là một nhiệm vụ y tế, đó là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đạo đức của toàn xã hội.

Chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ, khi mỗi năm hơn 100.000 người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá​. Mỗi hơi thuốc từ hôm nay phải được nhận diện đúng như bản chất của nó: "Kẻ sát thủ thầm lặng".

Muốn làm được điều đó, cần sự chung tay của toàn xã hội - từ chính sách kiểm soát chặt chẽ quảng cáo thuốc lá, tăng thuế thuốc lá, đến việc xây dựng môi trường làm việc, sinh hoạt không khói thuốc. Và hơn cả, mỗi cá nhân phải tự mình lựa chọn giữa một phút thư thái ngắn ngủi hay cả một đời khoẻ mạnh cho bản thân và những người thân yêu.

Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban tư vấn Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho đoàn viên, người lao động là trách nhiệm chính trị cốt lõi của tổ chức Công đoàn các cấp.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công đoàn phải đi từ những việc thiết thực nhất từ bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, môi trường làm việc trong lành, sạch sẽ, đến việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, bồi dưỡng sức khỏe lâu dài”, ông Tiêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công đoàn cần tổ chức các hoạt động rèn luyện thể chất, tạo thói quen luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cho đoàn viên, bởi một cơ thể khỏe mạnh chính là “lá chắn” tự nhiên hữu hiệu nhất chống lại bệnh tật, trong đó có các bệnh nguy hiểm liên quan đến thói quen hút thuốc lá.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá phải được đặt ở vị trí trọng tâm, xuyên suốt trong các chương trình chăm sóc sức khỏe của công đoàn.

“Mỗi cấp công đoàn phải chủ động phối hợp với người sử dụng lao động để xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn, phát động phong trào “Nói không với thuốc lá tại nơi làm việc”, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt”, ông Tiêm đề xuất.

Các quốc gia văn minh trên thế giới đã có những chiến lược bài bản, như tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, mở rộng không gian không khói thuốc, hỗ trợ tư vấn cai thuốc miễn phí… Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, song cần mạnh tay hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Một xã hội không khói thuốc không phải là điều viển vông. Đó là tương lai thiết thực và nhân văn, nơi trẻ em lớn lên trong không khí trong lành, người già sống thọ hơn, người lao động khỏe mạnh và quốc gia phồn vinh.

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức cần biến cam kết thành hành động từ việc kiên quyết nói "không" với thuốc lá, xây dựng môi trường làm việc, trường học, bệnh viện, nơi công cộng không khói thuốc, cho tới hỗ trợ những người xung quanh từ bỏ thói quen này.

Một đất nước khỏe mạnh bắt đầu từ những hơi thở trong lành. Và hơi thở trong lành ấy bắt đầu từ chính quyết định hôm nay của mỗi chúng ta.

Nguyên Việt (theo TC Lao động và CĐ)

Tin cùng chuyên mục