Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:10

Tin tổng hợp

Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ

23/05/2019

Thực hiện tốt phong trào cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác về “Cần- Kiệm-Liêm-Chính”.

Thực hiện tốt phong trào cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác về “Cần- Kiệm-Liêm-Chính”.
Lễ Phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện Văn hóa công sở” diễn ra đúng ngày kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đánh giá cao Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã lựa chọn nội dung văn hóa công sở làm chủ đề chính trong phong trào thi đua năm 2019.
Yêu cầu xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, thứ văn hóa để nước đến chân mới nhảy, thứ văn hóa đợi nhắc thì làm, không nhắc cũng làm nhưng làm chậm trễ trong xử lý các nhiệm vụ được giao… Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện văn hóa công sở. Cụ thể, ở một số nơi việc tiếp công dân chưa thường xuyên và chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Nhấn mạnh,  văn hóa công sở phải  gắn với gia đình và văn hóa xã hội; văn hóa công sở phải  gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc; văn hóa công vụ phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu. Vì vậy, công chức không chỉ phải thực sự nêu gương trong gia đình, với con cái, bạn bè, mà cả với  đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở đó là đúng giờ, không đi trễ về sớm; Là xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân;  Là xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”.  Thủ tướng đề nghị nhân rộng phong trào thi đua, nâng lên thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột.
Trụ cột thứ nhất là cần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở. Đây là yêu cầu mang tính tiền đề, văn hóa công sở được hình thành từ ý thức từng người, tạo niềm tin, giá trị, động lực, cách ứng xử, làm việc của mỗi cá nhân.
Trụ cột thứ hai là kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Môi trường công sở chính là một xã hội thu nhỏ, ở đó hành xử tương tác của mỗi công chức  cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, giúp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và cống hiến.
Trụ cột thứ ba, chính là hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo, vì người dân phục vụ.
Nếu mỗi người khi là cán bộ công chức nhà nước  phải uốn nắn mình trở thành những công chức mẫu mực, sáng tạo, luôn tận tụy vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện của lãnh đạo với đồng nghiệp và người dân. Tính chuyên nghiệp trong công sở thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, đồng cấp và cấp dưới, biết cách tổ chức công việc và hoàn tất công việc được giao đúng hạn…
Văn hóa công sở không thể áp đặt ngay bằng mệnh lệnh hành chính đơn thuần với những nội quy, quy định. Văn hóa công sở phải được hội tụ, lan tỏa trước hết trong lãnh đạo của công sở đó. Văn hóa công sở là cả quá trình bền bỉ, kiên trì, trau dồi, vun đắp để mỗi cán bộ công chức ý thức đầy đủ và chủ động thực hiện. Vì vậy người đứng đầu cơ quan đơn vị phải là người đi đầu, gương mẫu thực hiện văn hóa công sở trước tiên.
Phát động phong trào cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, hướng tới 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi cán bộ, viên chức, phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, chung sức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Thực hiện tốt phong trào cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác về “Cần- Kiệm-Liêm-Chính”.
Hoài Nhi (theo thoibaonganhang.vn)

Tin cùng chuyên mục