Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 20:47

Tuyên truyền - Giáo dục

Một số điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

06/03/2015

Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua vào tháng 11 năm 2014, với 9 Chương 125 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 với nhiều điểm mới.

Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua vào tháng 11 năm 2014, với  9 Chương 125 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 với nhiều điểm mới.

Về chế độ hưu trí: Luật quy định cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi mỗi năm tăng thêm một năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% (năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm). Đối với nữ 15 năm đóng BHXH tương ứng với 45% và sau đó cả nam và nữ đều tính thêm 2% cho mỗi năm, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức hưởng tối đa là 75%, nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ 30 năm. Luật cũng tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Cụ thể về thời điểm hưởng lương hưu: đối với người đang đóng BHXH bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu được tính bắt đầu từ tháng liền kề sau tháng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu đối với người thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, Luật quy định lộ trình áp dụng cách tính lương bình quân theo năm bước để tiến tới thực hiện tính bình quân chung của cả quá trình đóng BHXH, bảo đảm bình đẳng giữa khu vực trong và ngoài nhà nước.

Cụ thể là, tính bình quân của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH trước năm 1995; tính bình quân của sáu năm cuối đối với tham gia BHXH trong thời gian từ ngày 1-1-1995 đến 31-12-2000; tính bình quân của tám năm cuối đối với người tham gia BHXH trong thời gian từ 1-1-2001 đến 31-12-2006 (như quy định hiện hành); tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến 31-12-2019 thì tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024; tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Về BHXH một lần: sửa đổi quy định điều kiện hưởng BHXH một lần để hạn chế tối đa việc hưởng BHXH một lần nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, cụ thể: chỉ giải quyết BHXH một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp; bổ sung quy định giải quyết BHXH một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo. Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện như quy định hiện hành, được giải quyết ngay khi phục viên, xuất ngũ, nếu không đủ điều kiện để hưởng lương hưu và người lao động có nhu cầu; tăng mức trợ cấp BHXH một lần từ 1,5 tháng lên hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (tương ứng mức đóng BHXH là 22% cho quỹ hưu trí, tử tuất).

Về chế độ tử tuất: bổ sung điều kiện phải có đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên đối với người đang tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH mới được hưởng trợ cấp mai táng (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người hưởng lương hưu nhưng đang chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù; Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định của Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế;

Tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết từ 1,5 tháng lên hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; bổ sung một điều quy định cụ thể về liên thông chính sách BHXH tự nguyện với chính sách BHXH bắt buộc.

Về BHXH tự nguyện: sửa đổi quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu (không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện như hiện hành).

Công thức tính lương hưu; thời điểm hưởng lương hưu; BHXH một lần; chế độ tử tuất... Sửa đổi tương đồng với chế độ BHXH bắt buộc.

Quỹ BHXH bổ sung các nội dung chi:

- Đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và người nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối trong trường hợp bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

- Trả phí giám định y khoa đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.

Luật sửa đổi bổ sung phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện gồm một năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau theo hướng thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu theo hướng cao hơn.

Bổ sung quy định về việc thực hiện đóng bù cho thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sau khi hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc: Quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thiết kế theo hướng từ khi luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Chi tiết văn bản xem tại đây

 Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm UBKT

Tin cùng chuyên mục