Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 07:10

Tin hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế

17/09/2024

Tại họp báo thường kỳ tháng 8/2024, Phó Thống đốc Thường NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 7/9, tín dụng tăng trưởng 7,15% so với cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Con số này cao hơn so với tăng trưởng 6,9% của cuối tháng 9 năm ngoái. Điều này cho thấy nguồn vốn cũng đang được các ngân hàng đẩy nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh, theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng trưởng tín dụng khả quan trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, theo đánh giá của giới chuyên môn, là do điều hành chính sách linh hoạt, quyết liệt của NHNN. Việc phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ cuối năm 2023 tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại chủ động trong cấp tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN đã có giải pháp điều hành phù hợp qua các công cụ thị trường để từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động ở mức 3,84%/năm, tăng 0,23%/năm. Nhưng lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86%/năm so với cuối năm 2023. Ngoài giảm lãi suất cho vay, ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi “may đo” cho từng nhóm khách hàng khác nhau.
OCB vừa triển khai gói vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, thời gian vay 24 tháng, hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phát triển, kinh doanh, chuẩn bị giai đoạn cuối năm 2024. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt gánh nặng lãi suất và tận dụng nguồn vốn hiệu quả cho các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc cải tiến công nghệ.
ABBANK đã triển khai loạt chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân tìm kiếm nguồn vốn mở rộng kinh doanh trước mùa cao điểm cuối năm. Cụ thể, gói vay vốn kinh doanh của ngân hàng này chỉ có lãi suất từ 4,99%/năm, thời gian vay tới 24 tháng. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ triển khai giải ngân “thần tốc” trong vòng 3 ngày, giúp khách hàng kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Ông Khương Đức Tiệp - Phó Tổng giám đốc thường trực ABBANK chia sẻ, trong năm 2024, ngân hàng đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Các gói ưu đãi của ABBANK hướng đến sự đa dạng lĩnh vực và mục đích sử dụng, đáp ứng tối đa các lựa chọn của khách hàng, mang lại nhiều lợi ích, phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính của mỗi người.
Đáng chú ý, Agribank vừa dành thêm hơn 100.000 tỷ đồng vốn ưu đãi phục vụ khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 6,0%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Đây là mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, cũng là mức lãi suất gần như thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. “Mặc dù ngân hàng phải trả lãi suất cao hơn cho người gửi, nhưng tiền cho vay lại giảm, chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp. Điều này cho thấy các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp, người dân”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Không nên chỉ trông chờ lãi suất
Chia sẻ về động thái nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua, CEO một NHTMCP cỡ vừa cho biết, lãi suất huy động tăng nhẹ đảm bảo lãi suất thực dương, đủ hấp dẫn dòng tiền gửi vào ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tăng vốn tín dụng cuối năm, đặc biệt dư địa tăng tín dụng còn rất nhiều.
Có thể nói, các ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn và đang tìm mọi cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Song điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cơ chế kích thích nhu cầu vay vốn. Chuyên gia cho rằng cần phải thông qua nhiều chính sách vĩ mô khác không chỉ riêng chính sách tiền tệ hay nỗ lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dư địa giảm lãi suất cho vay dù còn nhưng rất hạn hẹp. Bởi mặt bằng lãi suất huy động đang nhích lên. Các ngân hàng có cố gắng co kéo chi phí trong hoạt động kinh doanh cũng không thể giảm nhiều lãi suất cho vay được vì tác động mạnh đến NIM trước mắt, còn xa hơn là an toàn hoạt động. “Thời gian qua ghi nhận các ngân hàng cũng đã hy sinh khá nhiều lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng. Việc giữ được mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại ngân hàng cũng đã rất nỗ lực”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho biết, dù FED hạ lãi suất cũng giúp cho xu hướng lãi suất của Việt Nam ổn định hơn, chứ khó có thể hạ thêm được nữa. Bởi nếu lãi suất thấp lại gây sức ép lên tỷ giá.
Ở góc độ ngân hàng, ông Ngô Quang Trung - Tổng Giám đốc BVBank cho biết, bản thân các ngân hàng cũng phải trả lãi cho người gửi và cân đối nguồn vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Do đó, với vốn huy động có lãi suất cao mà ngân hàng đã huy động thời gian qua, thì nay vẫn phải giữ một mặt bằng lãi suất ổn định hoặc theo xu hướng cao hơn để giữ không mất chênh lệch giữa huy động - cho vay. Đó là chưa kể đến phải đáp ứng nhu cầu vốn dự kiến đa dạng và tăng cao hơn của nền kinh tế giai đoạn cuối năm. Nói cách khác, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn nữa, sau khi các NHTM nói chung đã giảm khoảng giảm 0,96%/năm so cuối năm 2023.
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, doanh nghiệp và người đi vay nói chung không nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa. Bởi do tỷ lệ nợ xấu vẫn đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây và làm tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng.
Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của BIDV đề xuất, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp vốn cho doanh nghiệp…
Hà Thành (TBNH)

Tin cùng chuyên mục