Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 07:20

Gương tiêu biểu

“Bằng khen Lao động sáng tạo là nguồn cảm hứng để tôi chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với đồng nghiệp”

21/08/2024

Đó là chia sẻ của chị Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn BIDV.

Hưởng ứng Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sáng kiến “Giải pháp tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến cho khách hàng tổ chức trên BIDV iBank” do chị Đỗ Thị Thanh Huyền – Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn (CSSPBB) BIDV chủ biên với giá trị làm lợi hơn 116 tỷ đồng đã được tôn vinh, biểu dương cùng với nhóm tác giả tại Chương trình.
Với sáng kiến này, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen Lao động sáng tạo năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là sự ghi nhận, khen thưởng xứng đáng những nỗ lực, cống hiến của ĐV, NLĐ cho sự phát triển của ngân hàng BIDV và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trao nhận Chứng nhận Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" cho đ/c Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban CSSPBB BIDV  
PV: Chị có thể chia sẻ đôi điều về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học?
Chị Thanh Huyền: Tôi bắt đầu tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học từ khi còn là sinh viên đại học. Lúc đó, tôi đã có cơ hội được tiếp cận với các dự án nghiên cứu nhỏ và nhận ra rằng mình rất đam mê với việc khám phá và tìm hiểu những điều mới mẻ. Sau khi tốt nghiệp và vào làm việc tại BIDV, tôi tiếp tục theo đuổi đam mê bằng cách tham gia vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học của đơn vị, và theo học các chương trình đào tạo chuyên sâu để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Công việc nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực bền bỉ và không phải lúc nào kết quả cũng như mong đợi. Tôi phải dành rất nhiều thời gian để nghĩ ra các ý tưởng, tìm ra nguyên nhân của những vấn đề cần giải quyết và điều chỉnh phương pháp. Chính từ những khó khăn đó, tôi đã phát triển được tư duy phân tích sắc bén hơn, đồng thời rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
Bên cạnh những khó khăn, công tác nghiên cứu cũng mang lại nhiều thuận lợi. Đầu tiên là cơ hội học hỏi không ngừng. Mỗi dự án đều mở ra những kiến thức mới và giúp tôi hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi. Ngoài ra, việc tham gia vào cộng đồng nghiên cứu cũng giúp tôi mở rộng mạng lưới chuyên môn, phát triển, tiếp cận các phương pháp nghiên cứu tân tiến trong nước và quốc tế.
Khi nhìn thấy kết quả nghiên cứu của mình có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của đơn vị, đến hoạt động kinh doanh của BIDV và đóng góp cho xã hội là nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học.
PVCông tác nghiên cứu khoa học mang lại cho chị những giá trị gì? Đặc biệt là đề tài “Giải pháp tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến cho khách hàng tổ chức trên BIDV iBank”.
Chị Thanh Huyền: Đề tài “Giải pháp tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến cho khách hàng tổ chức trên BIDV iBank” là một trong những nghiên cứu mà tôi tâm đắc. Đề tài này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn cao mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh cho ngân hàng. Bằng việc phát triển giải pháp tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến, chúng tôi không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và giảm bớt thủ tục, quy trình, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền. Đồng thời cũng góp phần tạo ra giá trị cạnh tranh cho BIDV đối với sản phẩm ngân hàng số.
Đặc biệt, đề tài được triển khai trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải hoạt động khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là sản phẩm kịp thời đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
PV: Bằng khen Lao động sáng tạo có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
Chị Thanh Huyền: Bằng khen Lao động sáng tạo có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn. Nó giúp tôi tin tưởng hơn vào con đường mình đang đi, khẳng định rằng những sáng kiến và nghiên cứu khoa học mình đã và đang thực hiện có tác động tích cực. Điều này khuyến khích tôi tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đề xuất những giải pháp mới, không chỉ để cải thiện công việc hiện tại mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của BIDV.
Hơn nữa, Bằng khen này cũng là một nguồn cảm hứng để tôi chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với đồng nghiệp. Chắc chắn rằng sự sáng tạo không chỉ đến từ một cá nhân mà là kết quả của sự hợp tác và ý tưởng của một tập thể. Vì vậy, tôi luôn mong muốn có thể truyền cảm hứng và hỗ trợ các đồng nghiệp của mình trong việc phát triển những sáng kiến mới, từ đó cùng nhau nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
PV: Trong quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, chị tâm đắc với đề tài nào nhất? Vì sao? Dự định sắp tới của chlà gì?
Chị Thanh Huyền: Hiện nay, tôi đang quan tâm nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới để phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ số dành cho KHTC, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robotic. Tôi cũng mong muốn mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các lĩnh vực khác như phân tích dữ liệu lớn (big data) và blockchain để tìm kiếm các giải pháp tối ưu hơn cho việc quản lý và bảo mật thông tin khách hàng.
Tới đây, BIDV sẽ triển khai đề tài “Định danh điện tử dành cho khách hàng tổ chức – EKYC KHTC”. EKYC KHTC là một giải pháp công nghệ tiên tiến giúp đơn giản hóa quy trình định danh, xác thực khách hàng tổ chức. KHTC có thể thực hiện các thủ tục định danh một cách nhanh chóng, thuận tiện mà không cần phải đến trực tiếp ngân hàng. Trong bối cảnh số hóa ngày càng phổ biến, việc triển khai EKYC không chỉ giúp KHTC tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tăng cường tính bảo mật, đảm bảo thông tin khách hàng được xử lý một cách an toàn và chính xác, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng.
Pv: Với vai trò là Bí thư Chi bộ, là người thuyền trưởng của Ban Ban Chính sách sản phẩm bán buôn (CSSPBB), chị hãy chia sẻ về vai trò “người truyền cảm hứng” cho cán bộ của mình tại công đoàn cơ sở trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Chị Thanh Huyền: Với vai trò là Bí thư Chi bộ và Giám đốc Ban CSSPBB, tôi luôn ý thức rõ về tầm quan trọng của việc truyền lửa, truyền cảm hứng cho cán bộ của mình, đặc biệt là trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là đam mê và trách nhiệm mà tôi luôn đặt lên hàng đầu.
Các ý tưởng sáng tạo với sự tham gia của Ban CSSPBB được vinh danh tại Hội thi “Hack the Idea 2024” của BIDV
Với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là Ban CSSPBB,  nội dung đổi mới sáng tạo của mỗi cán bộ cần được quan tâm để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, trường tồn của BIDV. Nhận thức sâu sắc về yêu cầu đổi mới sáng tạo, là người đứng đầu đơn vị, tôi cố gắng tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mỗi cá nhân đều cảm thấy được khuyến khích và có động lực để sáng tạo. Tôi chia sẻ kinh nghiệm, định hướng cách tiếp cận vấn đề và hỗ trợ đồng nghiệp vượt qua những thử thách trong quá trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tôi luôn chú trọng đến việc tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ của mình, đặc biệt là các cán bộ trẻ học hỏi và phát triển, thông qua các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề, và khuyến khích họ tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn. Sự khích lệ và ghi nhận kịp thời cũng là yếu tố then chốt giúp giữ vững đam mê và tinh thần sáng tạo của mỗi người trong tập thể.
Với sự đam mê và nỗ lực không ngừng, tôi tin rằng tập thể Ban CSSPBB sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể, mang lại giá trị bền vững cho khách hàng và BIDV.
Phước Thảo (thực hiện)
                                                                           

Tin cùng chuyên mục