Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:12

Công tác nữ công

Tập huấn “Tăng cường vai trò nữ giới ngành Ngân hàng Việt Nam”

21/12/2023

​Trong 2 ngày 18 và 19/12/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng “Tăng cường vai trò nữ giới ngành Ngân hàng Việt Nam”.

Trong 2 ngày, 18 và 19/12/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng “Tăng cường vai trò nữ giới ngành Ngân hàng Việt Nam”.

Tham dự và phát biểu khai mạc khóa tập huấn có đ/c Đặng Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN, Thành viên, Thư ký Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và các giảng viên/chuyên gia đến từ Bộ phận Giới và Phát triển Kinh tế bao trùm, IFC.
Tham dự khóa tập huấn có 30 học viên là cán bộ làm công tác nhân sự tổ chức, công tác nữ công công đoàn, cán bộ đầu mối triển khai công tác bình đẳng giới thuộc các đơn vị, vụ, cục NHNN, Học viện Ngân hàng, Nhà máy In tiền quốc gia, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), NHNN CN thành phố Hà Nội và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.​
Phát biểu khai mạc, đ/c Đặng Duy Cường khẳng định hoạt động bình đẳng giới của ngành Ngân hàng đã và đang được các cấp lãnh đạo trong ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm chú trọng, Vụ Tổ chức cán bộ NHNN với vai trò Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đã phối hợp cùng Công đoàn Ngân hàng Việt nam rất tích cực và trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Ngành duy trì và tổ chức thường xuyên các chương trình, hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ… Khóa tập huấn là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác song phương giữa NHNN Việt Nam và IFC – Chương trình đã được triển khai và duy trì hoạt động hiệu quả trong những năm gần đây.
Khóa tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức, tăng cường nhận thức về giới, bình đẳng giới tại nơi làm việc cho đội ngũ cán bộ đầu mối về nhân sự, công tác cán bộ nữ; chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về thực hành tích cực giữa các đơn vị và từ các tổ chức trong nước, quốc tế về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ và ngày càng phát triển của phụ nữ. Bằng những kiến thức hiểu biết của bản thân, dưới sự truyền đạt, hướng dẫn của giảng viên, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Bộ phận Giới và Phát triển Kinh tế bao trùm và tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, các học viên đã được trang bị những kiến thức cần thiết và hiểu sâu sắc thêm về những nội dung: Bình đẳng giới tại nơi làm việc là gì (các rào cản xã hội, định kiến giới, tại sao phải phá bỏ/và làm thế nào để phá bỏ được định kiến/rào cản…); Sự công bằng, bình đẳng, công lý…; Môi trường làm việc tôn trọng là gì, nó bao gồm những yếu tố nào (quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các công cụ và nguồn lực giúp phòng ngừa và giải quyết vấn đề bạo lực gia đình và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Hệ thống văn bản pháp lý, các chế độ, chính sách có liên quan, thực trạng tại Việt Nam hiện nay và phương pháp thực hành thân thiện với gia đình (áp lực, mối quan hệ cân bằng giữa công việc và gia đình; đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc…).
Qua thực hành, trải nghiệm nhiều tình huống thường gặp trong thực tế, các học viên đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đóng góp tích cực, từ đó rút ra kinh nghiệm, tìm biện pháp giải quyết hữu hiệu nhằm xóa bỏ những khó khăn, vướng mắc... Hy vọng sau khóa tập huấn, các học viên sẽ áp dụng hiệu quả và phát huy tác dụng của những kiến thức đã thu nạp được một cách tích cực để có những thuận lợi, thành công hơn trong thực tế công việc cũng như trong đời sống thường ngày. Khóa tập huấn tuy ngắn ngày, nhưng hết sức thiết thực và bổ ích đối với mỗi cán bộ - học viên được tham dự, vì vậy trong thời gian tới mong muốn tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ, sự hỗ trợ về mọi mặt của IFC trong các hoạt động ý nghĩa tiếp theo.
Cuối khóa học, các học viên được trao chứng chỉ hoàn thành khóa học của NHNN Việt Nam và IFC.
Nguyễn Thị Thái

Tin cùng chuyên mục