Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:17

Tin TLĐ

Cơ chế và chính sách riêng để nhà ở xã hội trong tầm với của công nhân

05/10/2023

​Dù nhu cầu về một nơi ở đàng hoàng để “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động rất lớn, song với mức thu nhập hiện nay công nhân không thể mua nổi một căn hộ nhà ở xã hội, bởi nguồn cung khan hiếm hoặc nếu có thì giá nhà quá cao, vượt quá tầm với của công nhân, người lao động.

Dù nhu cầu về một nơi ở đàng hoàng để “an cư lạc nghiệp” của công nhân lao động rất lớn, song với mức thu nhập hiện nay công nhân không thể mua nổi một căn hộ nhà ở xã hội, bởi nguồn cung khan hiếm hoặc nếu có thì giá nhà quá cao, vượt quá tầm với của công nhân, người lao động. Để giải bài toán này, cần giải quyết nhiều vướng mắc trong đó cần có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư và có chính sách ưu đãi riêng cho công nhân.
Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương đã kín công nhân ở. Ảnh: Đình Trọng
Nhu cầu cao nhưng nguồn cung hạn chế
Tỉnh Bình Dương giao cho Tổng Công ty Becamex (doanh nghiệp có vốn Nhà nước) thực hiện từ năm 2011 đến nay đã xây dựng hoàn thành trên 47.500 căn. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì con số này chẳng thấm đâu vào đâu. Hiện Bình Dương có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó 80% là người lao động ngoại tỉnh, đa số họ đang còn phải đi ở trọ, đời sống bấp bênh.
Với tỉnh Đồng Nai, có hơn 700.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó khoảng 400.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở, nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có vài nghìn căn nhà ở xã hội.
Tại TPHCM, trong giai đoạn 2021 - 2025, có tới 91 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 210,4ha, quy mô dự kiến 98.685 căn hộ, trong đó có tới 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thế nhưng, đến hết quý II/2023, thành phố mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 623 căn hộ của 2 dự án. Tương tự ở Quảng Nam, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân khoảng 360ha. Nhưng đến nay, Quảng Nam mới chỉ có 1,3ha khu nhà ở của Công ty Panko Tam Thăng (Tam Kỳ) với 200 căn (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng. Còn loạt dự án khu nhà ở thu nhập thấp đã kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thiện…
Giá nhà cao ngất, thủ tục rườm rà
Theo phản ánh của người lao động tại Bình Dương, những năm gần đây dự án nhà ở xã hội do Tổng Công ty Becamex xây dựng với mức giá từ 100 - 300 triệu đồng/căn không còn nguồn hàng để mua. Người lao động chỉ có thể tìm mua nhà ở xã hội do các công ty tư nhân xây dựng, tuy nhiên mức giá chào bán lại khá cao. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội T.Đ.H tại TP Dĩ An được giới thiệu căn hộ 1 phòng ngủ khoảng 38m2 có giá từ 930 triệu đến 1,1 tỉ đồng; căn hộ 60m2 có 2 phòng ngủ giá khoảng 1,8 tỉ đồng mỗi căn.
"Tôi đã làm việc và sinh sống ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương 10 năm vẫn chưa mua được nhà ở. Hiện TP Dĩ An rất ít dự án nhà ở xã hội, tôi tìm hiểu căn hộ ở dự án nhà ở xã hội T.Đ.H, nhưng mức giá bán quá cao, ngang với nhà ở thương mại" - anh Nguyễn Văn Bình (34 tuổi, quê Hà Tĩnh, làm việc tại Bình Dương) cho biết.
Ông Trần Việt Cường - Giám đốc Công ty Thu Thiem Group chia sẻ, dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê tại phường Thành Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TPHCM của công ty có khoảng 1.040 căn hộ, dự kiến khối A, D sẽ đưa vào sử dụng vào quý IV/2023. Tuy nhiên, theo quy định đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội phải đảm bảo ba điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập. Và việc xác nhận theo đúng quy định của Thông tư số 09/2021/TT-BXD gây rất nhiều khó khăn cho UBND cấp phường, xã trong khi người dân phản ánh UBND phường, xã không đồng ý xác nhận “Tình trạng nhà ở hiện tại của hộ gia đình đúng như nội dung của người đề nghị”, vì họ không quản lý nhà ở của đối tượng ngoài địa bàn của địa phương.
Cần cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư và ưu đãi riêng cho công nhân
Tỉnh Bình Dương đang thực hiện "Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đề án đề ra mục tiêu đầu tư khoảng 172.879 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng trên 678.000 người với tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỉ đồng, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong 5 năm tới, đơn vị sẽ phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên, công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở được thuê, mua từ 45 - 50% số căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Dưới góc độ nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp để giảm giá nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp.
Ông Trần Việt Cường - Giám đốc Công ty Thu Thiem Group  -kiến nghị cho phép mở rộng đa dạng các nhóm đối tượng tại dự án theo 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở được quy định tại Luật Nhà ở 2014 vì nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân rất lớn.
Còn theo Công ty Cổ phần BĐS Nguyên Sơn, một đơn vị phát triển nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh (TPHCM), thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sử dụng căn hộ nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn về tiền sử dụng đất, phê duyệt giá bán nhà ở xã hội. Khi triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội, một số chi phí chưa được tính đúng, tính đủ vào giá bán nhà ở xã hội. Chính vì vậy, các chủ đầu tư mong muốn cần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có thể giảm chi phí, từ đó giảm giá bán.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM - Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng nghiên cứu, vận dụng quy định về nhà ở xã hội tại khoản 3, điều 6, Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ nút thắt về đầu tư nhà ở xã hội, rút ngắn trình tự, thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai các dự án.
Thiếu nguồn vốn và quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Ông Lê Văn Nghĩa - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn Tổng LĐLĐVN - cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trước hết là thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội càng hạn chế. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn vay và xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vẫn còn chậm…
Khó khăn tiếp theo là thiếu quỹ đất bởi việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch còn chậm. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài…
Để giải quyết những khó khăn trên, Tổng LĐLĐVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, ban hành quy trình chung về đầu tư nhà ở công nhân nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công dự án.
“Trong thời gian tới, sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ kích cầu việc đầu tư xây nhà ở cho công nhân” - ông Nghĩa thông tin thêm.
Về chủ đầu tư, Tổng LĐLĐVN tham gia với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư (cơ quan phê duyệt, cấp vốn đầu tư) mà không trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án. Tổng LĐLĐVN sẽ giao Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐVN làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Khi đó, Tổng LĐLĐVN thực hiện vai trò là đơn vị chủ quản đầu tư: Phê duyệt, cấp phát vốn, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá cho thuê.
Ông Nghĩa cho biết thêm, nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê của Tổng LĐLĐVN lấy từ nguồn tài chính công đoàn. Về sở hữu nhà ở công nhân, người lao động thì Tổng LĐLĐVN là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xã hội để cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn tài chính công đoàn.
Về công tác quản lý, vận hành nhà ở, nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư để cho thuê được quản lý vận hành như hình thức nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, khi đó Tổng LĐLĐVN sẽ quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở; trường hợp có từ hai đơn vị trở lên đăng ký tham gia thì việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu. Hà Hạnh
Thiếu 28.000 nhà ở xã hội, Đà Nẵng thừa nhận chưa nắm bắt được nhu cầu thực chất
UBND TP Đà Nẵng thông tin, hiện TP Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp, với 70.000 công nhân, tuy nhiên 40% công nhân phải thuê nhà ở và hiện còn thiếu 28.000 căn nhà ở cho công nhân.
Thành phố đã quyết tâm giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân. Chi phí nhà ở của công nhân đã chiếm 20% mức lương, 80% còn lại phải lo trang trải những vấn đề khác như ăn uống, con cái...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - đánh giá, vấn đề hiện tại là dành nguồn lực và đề xuất chính sách hợp lý, phù hợp với nhu cầu của công nhân để giải quyết chuyện nhà ở xã hội. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP Đà Nẵng.
Qua phản ánh của người lao động, ông Triết nhìn nhận: “Nhu cầu nhà ở xã hội nhiều như thế nhưng nắm bắt một cách thực chất, chi tiết, chúng ta làm vẫn chưa tốt. Các dự án nhà ở xã hội thì bán không hết. Hoặc có nhu cầu nhưng điều kiện để người lao động, công nhân đáp ứng là quá cao. Nhà ở công nhân cho thuê 300.000 - 400.000 đồng thì mới là nhu cầu, chứ nâng lên 700.000 - 800.000 đồng thì không còn là nhu cầu nữa. Chính sách như vậy thì không hợp lý, hợp tình”.
Về phía Đà Nẵng, thành phố cũng đề nghị các sở, ngành bám sát, nhanh chóng cải tạo các khu nhà ở, Khu công nghiệp Hòa Cẩm để phù hợp với điều kiện của công nhân. Thành phố cũng đang trình Chính phủ chuyển mục đích sử dụng của Khu ký túc xá phía Tây để có thêm nhà ở bố trí cho công nhân. T.TRANG
Nhóm PV báo Lao động

Tin cùng chuyên mục