Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:12

Tin TLĐ

Nguồn cung nhà ở công nhân mới đáp ứng 30% nhu cầu

24/09/2023

​Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Song, kết quả phát triển nhà ở xã hội công nhân cho thấy mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu đối tượng này.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Song, kết quả phát triển nhà ở xã hội công nhân cho thấy mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu đối tượng này.
Khu nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh
Có cung ắt có cầu
Không chỉ nội thành mà ở nhiều làng quê thuộc huyện Thạch Thất cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, chung cư mini cũng mọc lên như nấm phục vụ chỗ ở cho sinh viên, người lao động.
Tại tọa đàm với Chủ đề “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” tổ chức ngày 24.9, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII đánh giá, chung cư mini nở rộ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều khu công nghiệp khác. Quy luật của thị trường là “có cầu ắt có cung”, đặc biệt là nhu cầu của những người lao động nghèo đến các thành phố lớn làm ăn, sinh sống ngày một tăng.
Lý giải nguyên nhân các khu chung cư mini, nhà ở cho thuê phát triển ở khu vực ngoại thành, bà An cho rằng đây là khu vực có khu công nghiệp, nhiều người lao động, sinh viên đến thuê hoặc mua để ở. Ngoài ra, chi phí để mua hoặc thuê một căn nhà ở trong khu vực nội thành sẽ đắt gấp nhiều lần so với khu vực ngoại thành.
Ngoài vấn đề về giá cả, bà An cũng thẳng thắn nhận xét, đôi khi, người mua lẫn người bán có thể dễ dàng “lách luật” khi chọn ở khu vực ngoại thành. Bà An cho rằng, nhà ở không chỉ đơn giản là một nơi trú ngụ, “an cư” tức là một chỗ ở ổn định, an toàn, bình yên.
Thống kê hiện nay, có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Giải quyết khó khăn về vốn và quỹ đất
Đầu tháng 3.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một giải pháp quan trọng được đưa ra đó là “Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân… phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội”.
Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo ông Nghĩa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trước hết là thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, thì nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội càng hạn chế.
Chính phủ đã có những chính sách như: Miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư; giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% Quỹ nhà thương mại trong dự án nhà ở xã hội để bù đắp cho các chi phí đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. “Việc tiếp cận vốn vay và xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vẫn còn chậm”, ông Nghĩa đánh giá.
Khó khăn tiếp theo là thiếu quỹ đất. Việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch còn chậm. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch để triển khai dự án, trong khi nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng phải trình HĐND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài.
Để giải quyết những khó khăn trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, ban hành quy trình chung về đầu tư nhà ở công nhân nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư sớm khởi công dự án.
“Trong thời gian tới, sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ kích cầu việc đầu tư xây nhà ở cho công nhân” - ông Nghĩa thông tin thêm.
LƯƠNG HẠNH (BÁO LAO ĐỘNG)

Tin cùng chuyên mục