Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 00:28

Tin tổng hợp

Bài dự thi của cán bộ ngân hàng về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội đạt giải cấp Tổng Liên đoàn

18/01/2023

Bài viết “Sức lan tỏa của một chủ trương đúng đắn” của tác giả Anh Hòa - Thành Nam (Thời báo Ngân hàng) đã đạt giải Khuyến khích cấp Tổng Liên đoàn trong cuộc thi CNVCLĐ tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội” do Tổng Liên đoàn LĐVN tổ chức và đạt giải Nhì cấp Công đoàn NHVN (không có giải Nhất).

Bài viết “Sức lan tỏa của một chủ trương đúng đắn” của tác giả Anh Hòa - Thành Nam (Thời báo Ngân hàng) đã đạt giải Khuyến khích cấp Tổng Liên đoàn trong cuộc thi CNVCLĐ tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội” do Tổng Liên đoàn LĐVN tổ chức và đạt giải Nhì cấp Công đoàn NHVN (không có giải Nhất).
Bài viết đã đánh giá, nhìn nhận lại tác động, sự ảnh hưởng và sức lan tỏa từ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không phát hành tiền mệnh giá nhỏ mới vào dịp cuối năm. Chủ trương được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ năm 2013, đến nay đã thực hiện được 10 năm và có tác động tích cực, góp phần làm thay đổi tâm lý, thói quen của người dân là rải tiền lẻ tùy tiện ở các nơi thờ tự, chùa chiền…. Việc đưa ra chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm năm 2013 có thể nói là “táo bạo” và khó khăn trong bối cảnh người Việt từ xưa đến nay luôn duy trì thói quen đi lễ chùa bằng tiền lẻ. Thói quen "rải tiền lẻ" khắp chốn thờ tự này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các các đền, chùa, mà còn biến tướng rất phức tạp. Bài viết nhắc nhớ lại một chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp, văn minh trong các hoạt động tín ngưỡng của người dân Việt Nam.
Cuộc thi CNVCLĐ tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội là một hoạt động có giá trị thực tiễn cao, phản ánh được nhận thức đúng đắn của cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; thể hiện được vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong việc phát huy giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
PL
***
Bài viết:
Sức lan tỏa của một chủ trương đúng đắn
Còn nhớ, cách đây gần 10 năm NHNN Việt Nam có một quyết định khá bất ngờ đó là không phát hành tiền mệnh giá nhỏ mới vào dịp cuối năm. Đây là một quyết định khá khó khăn lúc bấy giờ bởi thói quen của người Việt từ xưa vẫn mong muốn có những đồng tiền mới để đi lễ chùa, để cụ già mừng tuổi các cháu nhỏ...
Ngược dòng thời gian
Sở dĩ NHNN Việt Nam có quyết định đầy bất ngờ và táo bạo đó là bởi thực trạng tiền lẻ đi lễ chùa khi đó nảy sinh nhiều biến tướng phức tạp. Tiền lẻ được "rải" khắp chốn cửa chùa. Tiền được dắt vào tay tượng phật, giắt lên mái chùa, nhét cả vào trong những hốc cây hay rải xuống giếng... tất cả gây nên một một sự "hỗn loạn" chốn linh thiêng. Không dừng lại ở đó, để phục vụ nhu cầu "tiền mới" lễ chùa các "chợ" đổi tiền mọc lên như nấm nơi cổng chùa với giá chênh lệch khác nhau, các chợ đổi tiền online cũng nhân cơ hội mà kinh doanh nhộn nhịp mỗi dịp xuân về...
Xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng, đặt tiền lẻ (hay còn gọi là tiền “giọt dầu”) vào thì thần, Phật mới chứng giám “lòng thành”, nhiều người cho rằng càng rải nhiều tiền thì càng được nhiều lộc. Với suy nghĩ đầy tính thực dụng, “trần sao âm vậy” ấy, nên dù ban quản lý các đền, chùa đều có biển hướng dẫn cách đặt lễ nhưng nhiều người vẫn cố tình rải tiền “vô tội vạ” ở các ban thờ, gài tiền vào tay Phật, gốc cây... Do có quá nhiều người cùng đi lễ và đặt tiền, nên tiền rơi vãi cả xuống sàn nhà…, gây ra hình ảnh phản cảm, lộn xộn.
Tiền mệnh giá nhỏ được giắt lên tượng phật trông rất phản cảm
Tiền mệnh giá nhỏ được rải xuống giếng nước gây ô nhiễm và mất vệ sinh
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam cho rằng, đồng tiền tượng trưng cho vật chất, khi đặt tiền lên ban thờ không khác gì mang thứ tầm thường của trần gian dâng lên thần, Phật. Suy nghĩ “trần sao âm vậy” là điều dễ nảy sinh trong tâm lý của người đi lễ. Nó xuất phát từ lòng tham, những đố kị trong đời sống, thấy người khác có gì thì mình phải có hơn. Với tâm thế ấy, suy nghĩ ấy khi đi lễ chùa, cùng hành động gài tiền lẻ vào lễ, chẳng khác nào hối lộ thần, Phật. Đó là điều cấm kị. Chưa kể, hành động bon chen, cố gài, nhét tiền vào lễ rất phản cảm, xấu xí, thiếu văn hóa.
Theo một vị đại đức thì “Việc đi lễ chùa, hay các địa điểm tín ngưỡng, thánh tích của người Việt vào những ngày đầu tháng, ngày rằm hay vào đầu xuân năm mới là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn. Tuy nhiên, việc người dân để tiền lên ban thờ, gài tiền vào tay tượng, ở các giỏ lễ là hình ảnh rất xấu, không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Hiện nay, người dân cũng có hình thức “cúng dường”, tức là đặt tiền lễ lên Tam Bảo để cúng. Nhưng tôi cho rằng với một người hiểu đạo Phật thì không ai làm thế. Không nên đặt tiền lên ban thờ, hành động đó không khác gì “mua - bán” thần, phật. Bà con, phật tử nếu có lòng muốn đóng góp cho nhà chùa thì hãy bỏ vào hòm công đức hoặc gửi lại Ban quản lý đền, chùa ghi sổ công đức. Đây vừa là hành động có văn hóa, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, thậm chí là trộm cắp xảy ra ở nơi thờ tự”.
Những đổi thay từ một chính sách đúng…
Từ năm 2013 tới nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ mới vào lưu thông vào dịp Tết Nguyên đán. Tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn được cung ứng đầy đủ để phục vụ nền kinh tế. Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Ngân hàng ông Đào Minh Tú, chủ trương hạn chế in và phát hành tiền mệnh giá nhỏ mới ra thị trường đã giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng (tính đến Tết Nguyên đán 2020) nhờ cắt giảm chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm... NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ. Điều đáng lưu ý là Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cung cấp đủ số lượng, cơ cấu tiền các mệnh giá hợp lý và cần thiết cho các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo lưu thông.
Các ban lễ đã sạch sẽ trang nghiêm hơn sau quyết định dừng phát hành tiền mệnh giá nhỏ nhiều năm
Bên cạnh đó, Chính phủ, NHNN Việt Nam cũng đẩy mạnh việc xử phạt hành vi đổi tiền không đúng quy định. Khoản 5, Điều 30, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng nếu thực hiện đổi tiền không đúng quy định. Theo đó, nếu đổi tiền không đúng quy định thì cả hai bên tham gia đổi tiền (đổi và đi đổi) đều bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Ngoài ra, theo Điều 12 và 13, Thông tư 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, chỉ có ngân hàng nhà nước chi nhánh, sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước là có chức năng thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
“Với các cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tiền chỉ có ở trạng thái đủ hoặc đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ không có khái niệm mới hay cũ. Nên việc đổi tiền dù đổi tiền cũ sang mới hay tiền không đủ chuẩn sang đủ chuẩn đều phải được thực hiện ở các cơ quan nêu trên” - Một luật sư chia sẻ.
Chị Lê Thị Hằng một cán bộ ngân quỹ Agribank chia sẻ: Trước kia khi NHNN Việt Nam chưa dừng phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ mới dịp cuối năm chị rất "sợ" vì người thân luôn nhờ đổi tiền mới. Rồi "sợ" luôn những ngày đầu năm vì phải phân loại kiểm đếm tiền mệnh giá nhỏ do các chùa chuyển về. Từ khi có "lệnh" dừng phát hành tiền mệnh giá nhỏ mới vào dịp cuối năm chị đã có "lý do" để không phải đổi tiền mới cho mọi người nữa và những ngày đầu năm thì công việc cũng thảnh thơi hơn nhờ người dân đã đi lễ chùa một cách văn minh, lịch sự hơn khi đặt lễ vào hòm công đức...
Sự quyết liệt của NHNN Việt Nam trong việc dừng phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp cuối năm, cùng với việc nâng cao các quy định xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ đã phần nào "cảnh tỉnh" người dân. Giờ đây quan niệm "tiền nào cũng là tiền" đã ăn sâu, bén rễ trong ý thức của người dân. Người dân không còn cảnh "chạy vạy" để đổi bằng được đồng tiền mới như thủa nào. Bên cạnh đó, ở các chốn tâm linh những hòm lễ được cất gọn gàng và chỉ có ở một đến hai điểm. Người dân đến với chốn linh thiêng cũng đã không còn cảnh "rải" tiền khắp chốn cửa thiền... Có thể thấy, sự kiên trì theo đuổi chính sách không phát hành tiền mệnh giá nhỏ mới vào dịp cuối năm đã như cơn mưa dầm, thấm dần thấm dần vào đời sống người dân, từ đó tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của mỗi người một cách lặng lẽ.
Chị Hoàng Anh (Hà Nội) chia sẻ, đi các chùa vào ngày rằm, mùng một hay cuối năm đã không còn thấy cảnh người dân chen chúc để nhét tiền vào tượng, rải tiền xuống giếng nữa. Những hòm công đức, hòm lễ được nhà chùa đặt ngay ngắn gọn gàng để các phật tử có thể thành tâm gửi lễ. Với những hòm lễ như vậy thì tiền mới hay cũ có còn quan trọng gì nữa đâu, miễn là cái tâm chân thành... 
Anh Hòa – Thành Nam
         


PL

Tin cùng chuyên mục