Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:15

Tin hoạt động ngân hàng

10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng năm 2022

17/01/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian vừa qua, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa...

Ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian vừa qua, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước.
Chúng tôi xin trích đăng 10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2022, theo đánh giá của Tạp chí Ngân hàng:
1. NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế
Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm (ngày 13/01/2022), Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng với mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong định hướng điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới lợi ích tổng thể hài hòa của nền kinh tế. 
 Bên cạnh đó, để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
 
Về điều hành lãi suất, NHNN đã điều chỉnh tăng 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng với tổng mức tăng 0,8 - 2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022). Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường.
Trong năm 2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn trước những biến động rất mạnh trên thị trường quốc tế; cân đối cung - cầu ngoại tệ rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá: (i) Từng bước tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong nước và ngoài nước, qua đó hấp thụ cú sốc bên ngoài; (ii) Linh hoạt các phương thức bán can thiệp thị trường, điều chỉnh tỷ giá mua/bán can thiệp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và bình ổn tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/- 3% lên +/- 5%, qua đó, tạo dư địa cho tỷ giá diễn biến linh hoạt. Nhờ vậy mà tỷ giá USD/VND tương đối ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt.
Với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%)); tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước.
2. Điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế 
Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến bất lợi của lạm phát. Trong tình hình thanh khoản khó khăn, NHNN đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống TCTD giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, giải tỏa tâm lý thị trường và các vấn đề còn tồn tại để đảm bảo an toàn hệ thống trước những rủi ro hiện hữu. Đến tháng 11/2022, trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD với nguyên tắc, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Đến ngày 30/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 14,08% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. 
3. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Năm 2022, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã kết nối với dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. NHNN đã triển khai 62/370 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và đang thực hiện nâng cấp 25 thủ tục hành chính lên dịch vụ công cấp độ 3, 4. Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. 
Bên cạnh đó, hầu hết các TCTD đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã số hóa 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu, chỉ từ 30 - 40%. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân. Một số sản phẩm nổi bật như SmartBanking, hệ thống Omni iBank, phát triển tính năng trên máy giao dịch tự động… 
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Trong 10 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng trên 4,6% về số lượng và trên 33,06% về giá trị; hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 87% về số lượng và 34% về giá trị… 
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money đã đạt được một số kết quả tích cực, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
4. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Ngày 15/11/2022, với 483/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 66 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.  
Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.
5. Việt Nam không còn nằm trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ
Ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.
Báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: (i) Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai và (iii) Can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.
Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá. Tại kỳ Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày 03/10/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
6. Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết số 42
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42) từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Qua 5 năm triển khai, các mục tiêu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết số 42 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
Trong năm 2022, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu của Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể, có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Nhờ đó, đến cuối tháng 10/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,92% (cuối năm 2021 là 1,49%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 4,5% (cuối năm 2021 là 6,3%). 
Lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu. Tuy vậy, sau thời gian áp dụng nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 vẫn ở mức cao là 412.700 tỷ đồng. Chính phủ đánh giá Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả. Tuy nhiên, đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này không được áp dụng. Việc này dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu; không huy động được các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.
Chính vì vậy, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Trong thời gian thực hiện, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn còn tồn đọng, đồng thời chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
7. Tăng vốn điều lệ - ngân hàng thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế
Về tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 04 NHTM Nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng; NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10/2022, vốn điều lệ của 04 NHTM Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,4 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.302,5 nghìn tỷ đồng. 
Về tăng vốn đối với các NHTM cổ phần: Năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 NHTM cổ phần; trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đến nay, danh sách các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ có: NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank) thêm 1.900 tỷ đồng lên mức 8.464 tỷ đồng; NHTM cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) tăng thêm hơn 578 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng; NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng; NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) tăng vốn thêm 58,8 tỷ đồng lên mức 13.758 tỷ đồng; NHTM cổ phần Á Châu (ACB) tăng thêm 6.754 tỷ đồng lên mức 33.774 tỷ đồng; NHTM cổ phần Đông Nam Á (SeABank) tăng thêm 3.211 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng; NHTM cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) tăng thêm tối đa 1.618 tỷ đồng lên mức 5.289 tỷ đồng... Đến cuối tháng 10/2022, vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 452,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.509,8 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, qua đó sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn đang dần bị siết lại
8. Ngân hàng đồng thuận đưa lãi suất huy động về dưới mức 9,5%/năm
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022. Điều này tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng. Vì thực tế này, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.  
 
Sau cuộc họp trên, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản báo cáo Thống đốc NHNN kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc NHNN một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023; cùng với đó, thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.
9. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Trong năm 2022, NHNN tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của tài chính toàn diện; nghiên cứu, thúc đẩy huy động nguồn vốn cho khu vực tư nhân không cần bảo lãnh Chính phủ từ các định chế tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển đất nước. NHNN tích cực vào cuộc, phối hợp với các bộ, ngành liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế phục vụ chiến lược phát triển xanh nhằm tiến tới thực hiện thành công cam kết của Việt Nam tại COP26. 
 
Bên cạnh đó, NHNN thực hiện tốt vai trò đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức quốc tế. Với vai trò là Chủ tịch SEACEN năm 2022, NHNN đã tiếp tục chủ trì tổ chức các sự kiện quan trọng của SEACEN như Hội nghị Ủy ban điều hành SEACEN lần thứ 21, Hội nghị cấp cao bên lề tại Đà Nẵng.
10. Công tác truyền thông của NHNN góp phần tạo được sự đồng thuận xã hội về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng
NHNN đã triển khai hoạt động truyền thông theo hướng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; xác định truyền thông là kênh truyền dẫn chính sách, cung cấp thông tin đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật; đáp ứng nhu cầu thông tin người dân, doanh nghiệp quan tâm, nhất là các vấn đề thời sự như tăng trưởng tín dụng, tỷ giá, lãi suất, quản lý thị trường vàng… Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục củng cố, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống. Đồng thời, thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục tài chính nhằm triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
 Nhờ đó, công tác truyền thông của NHNN góp phần tạo được sự đồng thuận xã hội về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, điều hành vĩ mô của Chính phủ, các chủ trương, chính sách mới liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ổn định tâm lý người gửi tiền, đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

 TCNH

Tin cùng chuyên mục