Chính sách tín dụng cho người nghèo đã phát huy hiệu quả tại Đồng bằng sông Cửu Long
21/01/2015
Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau 3 năm thực hiện (2012 - 2014) đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn cũng như nhận thức.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH VN) đã xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng ĐBSCL và thực hiện triển khai từ năm 2012. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đề án vừa diễn ra tại Cần Thơ, do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức, từ năm 2012 đến nay NHCSXH đã tích cực chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng ĐBSCL.
Sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực ĐBSCL, hoạt động của NH CSXH đã đạt được một số kết quả nổi bật như có trên 5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp cho trên 700 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 nghìn lao động, với hơn 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ hơn 400 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 01 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây trên 100 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; trên 85 nghìn ngôi nhà vượt lũ trong các cụm, tuyến dân cư.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến 31/12/2014 tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL ước đạt 343.463 tỷ đồng, tăng 12,39% so với 31/12/2013, chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống TCTD, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL được kiểm soát trong khoảng từ 3% - 3,5% trong 03 năm trở lại đây. Riêng đối với đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 165.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng khoảng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Hiện nay, NHCSXH đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, còn một số chương trình, dự án khác do UBND cấp tỉnh, huyện ủy thác qua NHCSXH thực hiện theo mục tiêu riêng của địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã đến đúng các đối tượng thụ hưởng chính sách ở tất cả các ấp, xã. Đến 31/12/2014, tổng dư nợ của vùng ĐBSCL là 22.384 tỷ đồng, tăng gấp hơn 14 lần so với năm 2013 (thời điểm thành lập NHCSXH) và chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH.
Kết quả hoạt động của NHCSXH đã góp phần tích cực và là điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nam Bộ nói riêng, nguồn vốn của NHCSXH đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL. Theo Ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương “Ban Bí thư Trung ương đảng đã đánh giá cao về những kết quả mà vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH trên cả nước những năm vừa qua, coi đây là giải pháp sang tạo và có tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội”. Theo bà Hồ Thị Phương - Chủ tịch UBND xã Tân Thới, huyện Phong điền cho biết: Huyện có 34 hộ vay từ NHCS đã thoát nghèo với nguồn vay từ NHCSXH, người dân vô cùng phấn khởi vì được Đảng và Nhà nước quan tâm, được NHCSXH hỗ trợ cho vay học sinh, sinh viên, hỗ trợ tạo việc làm cải tạo nước sạch vệ sinh môi trường…Ngoài ra, bà con nhân dân cũng kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 sẽ được hỗ trợ vốn vay nhiều hơn nữa với những đối tượng trên để mở rộng phát triển sản xuất tăng thêm thu nhập.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình với vai trò là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội đã chỉ đạo: “Cơ chế cho vay chính sách này đang triển khai tốt, đã vận động được cả hệ thống chính trị, tổ đội đoàn thể để phân bổ và sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả. Trong khi NHTM nợ xấu còn cao, thì nợ xấu của NHCSXH chỉ 0,88%, tức là cho vay hiệu quả, đảm bảo được đồng vốn. Tuy nhiên, cần tập hợp lại các chương trình tín dụng thiết thực hơn với người nghèo, đảm bảo nguồn vốn không bị dàn trải và giúp họ về cơ chế để thoát nghèo bền vững.”
Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đã khẳng định tính đúng đắn và kết quả của chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn quốc nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, góp phần hết sức quan trọng vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Nguyễn Thị Quỳnh Mai (theo sbv.gov.vn)