Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:43

Tin hoạt động ngân hàng

Điều hành chính sách tiền tệ nhanh nhạy, quyết liệt và kịp thời

24/09/2022

Ngày 23/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý III/2022. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.

Ngày 23/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý III/2022. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tình hình nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với đặc điểm là nền kinh tế của nước ta đã mở cửa hội nhập nên những biến động tình hình kinh tế - chính trị của các quốc gia trên thế giới cũng tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và quá trình điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo
Trước bối cảnh đó, các cấp lãnh đạo từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong công tác điều hành chính sách. Với tư cách là một bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, quyết liệt hằng ngày, hàng giờ, góp phần kiểm soát lạm phát, được người dân, doanh nghiệp tin tưởng đồng hành, chia sẻ vượt qua những khó khăn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Cụ thể, trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế nước ta và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Trong điều hành tỷ giá, quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine,…). Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN được xếp vị trí thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số.
Tiếp tục tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và nhiều thách thức, điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu.
Để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các ngân hàng thương mại và các địa phương; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.
Đặc biệt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đặt ra năm nhiệm vụ, mục tiêu chính của ngành Ngân hàng. Theo đó, NHNN sẽ tập trung cho nhiệm vụ chính của Ngành là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền; tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện nhanh chóng để thực hiện các mục tiêu khôi phục và tăng trưởng nền kinh tế sau dịch; tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, thanh khoản của các tổ chức tín dụng; tiếp tục đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng bằng các công cụ, chỉ số an toàn, công tác thanh tra giám sát…; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt công tác tín dụng chính sách, tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình chính sách xã hội đã và đang được triển khai, đặc biệt là thự hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng đại diện một số vụ, cục của NHNN đã trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
“Việc thông tin về định hướng điều hành chính sách tiền tệ một cách rõ ràng, công khai, minh bạch để thị trường, doanh nghiệp, người dân tin tưởng vào chính sách; thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách để người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế hiểu được, tin tưởng, ủng hộ và làm theo”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Hương Giang - Hoàng Giáp (TBNH)


Tin cùng chuyên mục