Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 12:53

Tin hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng

26/07/2022

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau về thể chất và tinh thần vẫn còn hằn sâu trên mỗi người thương binh và thân nhân, gia đình liệt sĩ. Khắc ghi công lao và sự hy sinh to lớn ấy để đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau về thể chất và tinh thần vẫn còn hằn sâu trên mỗi người thương binh và thân nhân, gia đình liệt sĩ. Khắc ghi công lao và sự hy sinh to lớn ấy để đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trao sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ, chiều ngày 25/7
Ngược dòng lịch sử, văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ là Sắc lệnh "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký vào ngày 16/2/1947.
Tại cuộc họp vào 6/1947, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày ngày 27 tháng 7 là ngày "Thương binh toàn quốc".
Sau đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi ngày "Thương binh toàn quốc" thành ngày "Thương binh - Liệt sĩ". Từ năm 1975, theo Chỉ thị 223/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước.
Tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam, trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành những tình cảm đặc biệt và tấm lòng biết ơn vô hạn nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh và quan tâm chăm lo các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng - liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi thương, bệnh binh tại Hà Nam
Càng gần ngày Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) tấm lòng thành càng được thể hiện sâu sắc bằng nhiều hoạt động ý nghĩa.
Là một trong những ngành huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình người có công.
Ngay trong chiều ngày 25/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với các đơn vị giám định ADN hài cốt liệt sĩ; chứng kiến lễ công bố kết quả giám định ADN các liệt sĩ; cùng đại diện các bộ, ngành trao kết quả giám định ADN cho 12 gia đình liệt sĩ; trao sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng/sổ từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội và quà tặng các gia đình liệt sĩ.
Trước đó, ngày 19/7, tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tỉnh Hà Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thăm, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng; trao 30 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng cho 30 gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, cùng với đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cùng các đại biểu Trung ương đã trao kinh phí xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa cho 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở tại tỉnh Nghệ An trong Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công, với trị giá 70 triệu đồng/căn nhà.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và các đại biểu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ tại Khu di tích Cao điểm 689
Với vai trò xung kích của tuổi trẻ ngành Ngân hàng, từ ngày 22/7- 24/7 vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức "Hành trình thắp lửa" dâng hương tại các khu di tích lịch sử cách mạng và tặng quà thương bệnh binh, người có công với cách mạng tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trước đó, Đoàn Thanh niên NHTW đã thực hiện hành trình “Về miền đất lửa”, thăm và dâng hương di tích Thành cổ Quảng Trị; thăm và thả hoa tại bến sông Thạch Hãn để tưởng nhớ nơi Trung đội Mai Quốc Ca; dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9 - Quảng Trị...
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cùng Đoàn Thanh niên NHTW và các đại biểu thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích Cao điểm 689.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn hệ thống nhưng nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội.
Đơn cử, Công đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tổ chức thăm hỏi, tặng quà một số Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, người có công với cách mạng tại huyện Lạng Giang - Bắc Giang, huyện Kim Bảng, Duy Tiên - Hà Nam...; Trung tâm nuôi dưỡng người có công tỉnh Thái Bình, Ninh Bình… với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng các Công đoàn cơ sở đang nuôi dưỡng, con liệt sĩ và thương binh là đoàn viên, người lao động Agribank với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Agribank cũng đã trao tặng 81 phần quà, mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng cho 81 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.
Hay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công đoàn BIDV đã tổ chức chương trình về nguồn tại Côn Đảo với các hoạt động dâng hương trọng thể tưởng niệm hơn 20.000 Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương; dâng hương phần mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; thăm các di tích lịch sử tại Côn Đảo như trại Phú Hải, Bảo tàng Côn Đảo, khu di tích Chuồng cọp Pháp....
Trước đó, Công đoàn BIDV thăm, tặng quà các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh, người có công với đất nước tại Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi đơn vị 50 triệu đồng với tổng giá trị 300 triệu đồng.
Đại diện Đoàn Thanh niên trao quà cho các thương, bệnh binh trong "Hành trình thắp lửa"
Không chỉ vậy, hiện cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ.
Góp sức vào hoạt động này, đầu năm 2022, các ngân hàng trong hệ thống NHNN Việt Nam đã tài trợ kinh phí 6,9 tỷ đồng để xây dựng các nhà bia, nhà nghỉ chân, hệ thống sân, tường rào, đường bê tông... trên Khu di tích Cao điểm 689.
Đoàn Thanh niên NHTW với sự đồng hành của Đoàn Thanh niên VietinBank và Đoàn Thanh niên NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ dâng hương và khánh thành 2 công trình: Công trình thanh niên Chiếu sáng khu cao điểm 689 và Công trình Hàng cây thanh niên với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Trước đó, 4 ngân hàng lớn của hệ thống là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, mỗi ngân hàng trao tặng 550 triệu đồng với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng để chỉnh trang Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt – Lào...
Để chuẩn bị tốt cho các hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công, trước đó Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo đến các cấp công đoàn trong toàn hệ thống.
Trong đó, các cấp công đoàn chủ động báo cáp cấp ủy Đảng, chuyên môn đồng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia hưởng ứng và tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương nơi đóng trụ sở; cân đối nguồn quỹ hợp pháp hiện có, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tri ân... theo khả năng và điều kiện thực tế; tập trung nguồn lực, tránh trùng lặp, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong việc thực hiện, làm tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thông qua mỗi chương trình, mỗi hoạt động, các cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng có cơ hội học hỏi, tìm hiểu sâu sắc, kỹ càng hơn về lịch sử, hiểu thêm về những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước.
Qua đó, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng càng thêm tự hào về lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, nguyện tiếp bước con đường của cha anh, phấn đấu và cống hiến sức trẻ của mình, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần dựng xây đất nước giàu đẹp hơn.
Hương Giang (TBNH)

Tin cùng chuyên mục