Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ hai, 27/01/2025 | 22:12

Tin TLĐ

Tổng LĐLĐVN đề ra các giải pháp phòng ngừa ngừng việc tập thể

18/02/2022

​Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh vừa ký văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh vừa ký văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể gửi các LĐLĐ tỉnh, thành phố; các công đoàn ngành Trung ương; các Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN. 
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh, năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, tham gia giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, từ đó, góp phần giảm số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công xảy ra so với các năm trước. Tuy nhiên, sau Tết đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể có yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại nhiều tỉnh, thành phố. 
Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định việc làm, đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của người lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. 
Theo đó, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 61/KH-TLĐ ngày 28.6.2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công giai đoạn 2019 - 2023, trong đó chú trọng triển khai các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.
Tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ CĐCS, doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.
Đối với các địa phương có đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì các LĐLĐ tỉnh, thành phố căn cứ Chương trình phối hợp công tác số 1433/CTPH-TLĐ-PTM&CNVN ngày 17.9.2019 của Tổng LĐLĐVN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2019 - 2023 để chủ động đề nghị ký kết chương trình phối hợp tại cấp mình.
Đối với các địa phương, đơn vị có đông người lao động, nhiều doanh nghiệp cùng thuộc một chủ sở hữu hoặc cùng là công ty thành viên của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoặc cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia… LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN phải chủ động nắm thông tin về số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động… của các doanh nghiệp nằm trên địa bàn và phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương khác để rà soát, chia sẻ thông tin của các doanh nghiệp có trụ sở ở địa phương khác.
LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN cần chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11.11.2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN hướng dẫn Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng Zalo hoặc hình thức phù hợp nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối với người lao động; tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng và triển khai đồng thời các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể khi cần thiết.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan…
Việt Lâm (laodong.vn)

Tin cùng chuyên mục