Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 15:54

Tin hoạt động ngân hàng

Hỗ trợ, song phải đảm bảo an toàn hệ thống

01/08/2021

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất ra sao, liều lượng thế nào còn phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp và đặc biệt là phải căn cứ trên năng lực tài chính của các ngân hàng. Bởi an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng có mạnh mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế ứng phó với đại dịch được.

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất ra sao, liều lượng thế nào còn phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp và đặc biệt là phải căn cứ trên năng lực tài chính của các ngân hàng. Bởi an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng có mạnh mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế ứng phó với đại dịch được.
Từ giữa tháng 7/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, 16 TCTD là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái giảm lãi suất của các TCTD trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh như một liều thuốc trợ lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại, từ đó cũng giúp sức cho cả nền kinh tế…
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất ra sao, liều lượng thế nào còn phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp và đặc biệt là phải căn cứ trên năng lực tài chính của các ngân hàng. Bởi an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng có mạnh mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế ứng phó với đại dịch được.
Trên thực tế khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của các ngân hàng cũng nhìn nhận, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như du lịch, lưu trú, vận tải… Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp ảnh hưởng ít hơn, thậm chí là hoạt động kinh doanh còn tăng trưởng tốt như các doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế, công nghệ thông tin…
Chia sẻ với báo chí, Phó tổng giám đốc MB bà Phạm Thị Trung Hà cho biết: “Tuỳ từng tệp khách hàng, MB sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp”. Như các khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ/ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng, MB giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại; khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại… MB cũng lưu ý, với các đối tượng khách hàng khác, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét và tiếp tục giảm lãi suất trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh, các cam kết của khách hàng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, MB chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
Đồng quan điểm, lãnh đạo của Techcombank cũng cho rằng, trong hỗ trợ không nên cào bằng. Những doanh nghiệp khó khăn hơn cần có sự ưu tiên hơn, đặc biệt cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu phục vụ cho nền kinh tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng phải chịu những khó khăn từ dịch bệnh. Song với trách nhiệm của mình, hệ thống ngân hàng cho đến nay đã rất nỗ lực để có thể cùng chung tay tiếp sức cho doanh nghiệp, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn. Bởi vậy, việc hỗ trợ dựa trên cân nhắc về năng lực tài chính của mỗi ngân hàng là điều đặc biệt quan trọng, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu là vô cùng lớn. Hơn nữa, việc giảm lãi suất sao cho hợp lý cũng phải được cân nhắc để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát của nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 cũng tác động rất tiêu cực lên hoạt động của các ngân hàng như tín dụng tăng trưởng chậm chạp, trong khi rủi ro nợ xấu gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Hơn thế, nợ xấu gia tăng còn ảnh hưởng đến năng lực kiểm soát rủi ro của ngân hàng, gây mất an toàn tài chính.
Nói như vậy để thấy, sức khoẻ hệ thống ngân hàng không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Ngân hàng - doanh nghiệp đã không còn là cơ chế “xin-cho” như ngày trước nữa mà hiện nay là quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. NHNN với vai trò cơ quan quản lý, điều hành cũng đặt ra yêu cầu là hoạt động của ngân hàng phải hài hoà, song hành giữa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn, hồi phục phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cao nhất cho hệ thống và cho từng TCTD.
Ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, bản thân việc đầu tư và năng lực đứng vững về vốn, công nghệ, nền tảng hạ tầng của ngân hàng rất quan trọng, không chỉ để cho ngân hàng tồn tại trong giai đoạn này mà còn giúp cho các nhà băng có thể phát triển đi lên. Nhiều năm nay, ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là để tập trung vào đầu tư, phát triển phục vụ cho các mục tiêu lâu dài, gia tăng năng lực đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động an sinh xã hội.
Nhìn trong dài hạn, một hệ thống ngân hàng có nguồn lực tài chính mạnh, phát triển bền vững không chỉ phục vụ cho nền kinh tế mà còn gia tăng sức cạnh tranh, khả năng kinh doanh đối với ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu, đến năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng có mặt trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) của khu vực châu Á, 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Thấu hiểu điều đó, nên từ nhiều năm nay NHNN luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, việc tái cơ cấu của ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Năm 2020 đã có 18 ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel II, và năm 2021 sẽ tiếp tục có thêm những nhà băng đáp ứng được tiêu chuẩn này. Riêng câu chuyện triển khai áp dụng được theo chuẩn Basel II đã cho thấy, một trong những yêu cầu rất cao của ngân hàng hiện đã được các nhà băng Việt Nam phấn đấu và quyết tâm cao để đạt được kết quả tích cực.
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, giai đoạn tái cơ cấu sắp tới ở cấp độ cao hơn cũng sẽ đòi hỏi các TCTD cần tiếp tục nâng cao năng lực, trong đó cả năng lực tài chính, năng lực quản trị, đặc biệt ứng dụng công nghệ một cách tích cực, để làm sao vừa đảm bảo sự ổn định, an toàn trong hoạt động, đồng hành cùng với doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế và từng bước với sự quyết liệt, khẩn trương để ghi danh thương hiệu ngân hàng Việt Nam trong khu vực và châu Á như mục tiêu đề ra.
Minh Khuê (TBNH)

Tin cùng chuyên mục