Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 15:39

Tin hoạt động ngân hàng

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo diễn biến của nền kinh tế

22/06/2021

Ngày 21/06/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.

Ngày 21/06/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo
Duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối
Trong những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội tại Việt Nam tiếp tục với đà phát triển, dù tình hình dịch phức tạp nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực, trong đó, có sự đóng góp của lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. NHNN điều hành CSTT linh hoạt, tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành Ngân hàng.
“Quá trình triển khai, tổ chức hoạt động của ngành Ngân hàng đạt được kết quả mong muốn trong thời điểm hiện nay, đây là đóng góp chung cùng các lĩnh vực trong nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ mới và người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Báo cáo thêm về kết quả điều hành CSTT, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt.
“Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu điều chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm”, ông Phạm Thanh Hà nói.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Chia sẻ về hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, linh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Với các giải pháp điều hành đồng bộ tính đến 15/6/2021 tín dụng nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại (NHTM), từ đó NHTM có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch COVID-19, theo đó, các TCTD sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn.
Tính đến ngày 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 250.000 khách hàng với dư nợ hơn 330.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến 31/5/2021 đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ trên 4.000 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3.000.000 ​khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng. ​​​
Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm phát triển TTKDTM; hạ tầng kỹ thuật và công nghệ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử trong khu vực công tiếp tục được chú trọng, mở rộng.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn. Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
“So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 213,51 triệu món với giá trị 11,03 triệu tỷ đồng, tăng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phân tích.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô để điều hành phù hợp
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế;
Trong đó, điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế . Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng điểm như đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng Covid-19; Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”...
NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó, tập trung triển khai Nghị định mới về TTKDTM và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp; Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.
Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội...
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng đại diện một số vụ, cục của NHNN đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến điều hành CSTT. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú gửi lời chúc mừng tới phóng viên, người làm công tác báo chí trên cả nước, đặc biệt là phóng viên khối kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nỏi riêng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
“Nhờ có sự đồng hành của báo chí, ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tốt, công tác truyền thông chính sách tạo hiệu ứng tích cực, hoạt động ngân hàng đã đi vào cuộc sống”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Hương Giang - Hoàng Giáp (TBNH)


Tin cùng chuyên mục