Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 16:50

Tin TLĐ

Hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

20/10/2020

Chiều 19.10, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Chiều 19.10, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ, thân nhân các chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ứng cứu người bị nạn; cùng thảo luận về sửa đổi các quy định về tài chính Công đoàn; ý kiến xây dựng Kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho đoàn viên, người lao động; bàn về chủ đề hoạt động năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu dự hội nghị.
Đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương cùng dự.
Sửa đổi các quy định về tài chính Công đoàn
Về sửa đổi các quy định về tài chính Công đoàn (CĐ), đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: “Đây là vấn đề hết sức cần thiết và cấp thiết nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về tài chính của tổ chức CĐ, đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành, theo ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính. Thường trực Đoàn Chủ tịch đã trực tiếp chỉ đạo Ban Tài chính sửa đổi các quy định về tài chính CĐ”.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh trình bày Tờ trình về việc sửa đổi một số quy định tài chính CĐ. Theo đó, tại Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19.12.2016 của Tổng LĐLĐVN về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản CĐ, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính CĐ sẽ sửa đổi 4 điều. Bao gồm: Điều 7: Về phân cấp quản lý tài chính CĐ; Điều 16: Thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự toán, quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), mua sắm tài sản; sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết; Điều 19: Phân cấp thu và phương thức thu kinh phí CĐ; Điều 21: Phân phối nguồn thu tài chính cho Công đoàn cơ sở (CĐCS).
Tại Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 24.10.2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về việc ban hành Quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp của CĐ cũng sửa đổi 4 điều. Gồm: Điều 8: Cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Điều 10: Tự chủ tài chính đối với đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên; Điều 12: Đơn vị sự nghiệp CĐ được vận dụng cơ chế tài chính như Công ty TNHH MTV CĐ; Điều 15: Nộp nghĩa vụ lên chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu; thực hiện cơ chế khoán quỹ lương đối với đơn vị sự nghiệp CĐ.
Tại Quyết định 1912/QĐ-TLĐ ngày 19.12.2016 của Tổng LĐLĐVN về việc ban hành Quy chế quản lý vốn của CĐ đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế sẽ sửa đổi 3 điều. Gồm Điều 8: Quản lý nguồn tài chính CĐ đầu tư tài chính; Điều 9: Sử dụng tài chính CĐ cho vay; Điều 16: Phân phối kết quả đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế…
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh cho rằng, việc sửa đổi một số quy định tài chính CĐ còn tạo điều kiện để các cấp CĐ chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện; giảm bớt thủ tục hành chính…
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thuý nói rằng, từ góp ý của các cấp CĐ, Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN đã tiếp thu, chỉnh sửa, giải quyết cơ bản, tạo điều kiện để các cấp thực hiện; mong việc sửa đổi sớm được thực hiện, ban hành…
Chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho đoàn viên và NLĐ
“Tổng LĐLĐVN xây dựng kế hoạch sớm để kịp thời tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên và người lao động (ĐV, NLĐ) nhất là năm nay trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, mưa lũ gây hậu quả nặng nề… Các yếu tố trên gây tác động đến đời sống, thu nhập, việc làm của một bộ phận không nhỏ ĐV, NLĐ. Việc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ ngay từ bây giờ là việc làm cần thiết nhằm phát huy tốt nhất các nguồn lực, tổ chức các hoạt động thiết thực với mục tiêu để mọi ĐV, NLĐ đều có Tết” - đồng chí Nguyễn Đình Khang nói.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu trình bày Kế hoạch Tổ chức các hoạt động chăm lo cho ĐV, NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, các cấp CĐ tập trung nguồn lực để chăm lo cho ĐV, NLĐ; tổ chức các hoạt động đưa được nhiều nhất ĐV, NLĐ về quê đón Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi; tổ chức các hoạt động vui Tết, thăm, động viên ĐV, NLĐ không có điều kiện về quê, đảm bảo vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng nắm tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của NLĐ để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp xử lý; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
“Chương trình “Tết Sum vầy” cần được tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), các doanh nghiệp, ở nơi có đông NLĐ, tạo điểm nhấn đặc biệt để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm tham gia các hoạt động chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ, gắn với hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng LĐLĐVN và các cấp CĐ cũng cần tham mưu mời một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và lãnh đạo địa phương đi thăm, chúc Tết và trao quà cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn…” - Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cung cấp thông tin.
Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho hay, Tết Tân Sửu 2021, ĐV, NLĐ sẽ khó khăn hơn các năm khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mưa lũ... Nên việc Tổng LĐLĐVN sớm xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho ĐV, NLĐ là rất phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, kế hoạch cần được ban hành sớm để LĐLĐ các tỉnh, thành ngành chủ động thực hiện theo đúng thực tiễn tại địa phương…
Lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho hay, chủ đề của năm 2021 có thể là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS)” và trong năm 2021, tổ chức Tổng LĐLĐVN sẽ có 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo định hướng của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong năm 2021, Tổng LĐLĐVN tiếp tục tập trung triển khai chương trình “Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”; chú trọng tập huấn đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐCS; xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong các cấp CĐ; tuyên truyền Nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề năm; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật CĐ trình Quốc hội thông qua; tham gia xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019; tổ chức tuyên truyền, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ (sau khi được Quốc hội thông qua) và các quy định mới của pháp luật có liên quan đến CNVCLĐ, tổ chức CĐ trong đội ngũ cán bộ CĐ, ĐV, NLĐ nhất là tại cấp cơ sở…
Sau khi các đại biểu góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nói rằng, Thường trực Đoàn Chủ tịch sẽ chọn lại 5-7 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 để tập trung thực hiện. Về chủ đề của năm thì cũng cần phải nêu được những hoạt động chính, chi tiết, cụ thể để khi áp dụng vào thực hiện mới đạt hiệu quả cao…
Việt Lâm (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục