Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 21:00

Chính sách - xã hội - thi đua

Trong khó khăn, ngân hàng càng đề cao trách nhiệm xã hội

08/10/2020

Hoạt động chính của hệ thống ngân hàng là cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng luôn đặt ra phương châm gắn trách nhiệm xã hội trong các hoạt động kinh doanh, góp phần lan toả - kết nối toàn xã hội.

Hoạt động chính của hệ thống ngân hàng là cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng luôn đặt ra phương châm gắn trách nhiệm xã hội trong các hoạt động kinh doanh, góp phần lan toả - kết nối toàn xã hội.
Luôn hướng đến cộng đồng, xã hội
Mới đây, dự án “Học viện Tiểu thương” của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã vinh dự được Tạp chí Asiamoney tôn vinh là “Ngân hàng có dự án trách nhiệm xã hội tốt nhất Việt Nam” (Best Bank for Corporate social responsibility - CSR) năm 2020.
Theo đại diện VPBank, “Học viện tiểu thương” có thể coi là dự án CSR độc đáo nhất của châu Á khi kết hợp yếu tố digital và hoạt động trên môi trường online. Đây vừa là giải pháp của ngân hàng trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, vừa là trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Kết thúc dự án, VPBank đã hỗ trợ thành công hơn 3.000 bà con tiểu thương áp dụng hiệu quả các kỹ năng bán hàng online, 300 tiểu thương đã có các gian hàng trên những sàn thương mại điện tử nổi tiếng và duy trì cộng đồng tiểu thương online lên tới 12.500 người.
Cũng trong khối NHTMCP, mới đây MB hưởng ứng chiến dịch quyên góp điện thoại thông minh, máy tính bảng vẫn còn sử dụng được tới các trẻ em nghèo vùng cao cho dự án iGiaoduc.vn. Qua dự án này, ngân hàng MB đã trao tặng 67 thiết bị di động (gồm cả thiết bị mới và thiết bị đã qua sử dụng), góp phần đưa dịch vụ hiện đại, nhất là ngân hàng số đến với người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MBBank hi vọng sự kết nối – lan tỏa này có thể giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, thậm chí trong tương lai, bản thân họ lại có thể trợ giúp tiếp cho những người khác, cho cộng đồng.
Với cách làm khác, trong năm 2020 này, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hướng lớn, song Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trao tặng 100 căn nhà nhân ái (trị giá 5 tỷ đồng) và đến thăm hỏi, tặng 1.000 suất quà (trị giá 500 triệu đồng), trao 10 tỷ đồng trong khuôn khổ Lễ phát động toàn dân ủng hộ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam tổ chức…
Không chỉ vậy, nhìn lại thời gian diễn ra dịch Covid-19, toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện trách nhiệm xã hội rõ nét thông qua các hoạt động giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, vượt qua khó khăn.
Đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Vượt qua khó khăn của chính mình
Dù tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng nhưng trên thực tế, các ngân hàng thương mại thực chất cũng hoạt động như các doanh nghiệp không nằm ngoài quy luật chung của nền kinh tế đang chịu tác động từ dịch Covid-19.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, dịch Covid-19 đang tác động tới ngành ngân hàng từ nhiều khía cạnh khác nhau, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn đối với ngành. Trước hết, Covid-19 làm yếu sức cầu, khiến tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản xấu hơn do nợ xấu tăng, nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021 trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Đáng chú ý, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 20 - 25% so với năm ngoái.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để ngân hàng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong thời gian tới, bản thân ngân hàng phải vượt qua được khó khăn của chính mình để có thêm sức chống chịu, nâng cao năng lực tài chính. Bởi khi ngân hàng khoẻ cũng đồng nghĩa với việc khả năng lan toả - kết nối toàn xã hội với hoạt động an sinh xã hội nhờ thế mà tăng lên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội nên là một trong những chiến lược phát triển bền vững. Bởi, theo TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội, Kinh tế và Quản lý, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hoạt động của ngân hàng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội có ảnh hưởng tích cực tới đánh giá của khách hàng và lợi nhuận của ngân hàng.
Minh chứng cho điều này, TS. Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, các hoạt động vì cộng đồng của ngân hàng làm tăng chi phí phát sinh cho ngân hàng. Mặc dù vậy, nhờ hoạt động này mà doanh thu ngân hàng tăng nhanh hơn mức tăng chi phí phát sinh. Nghiên cứu của McDonald (2015) cho thấy, thực hiện trách nhiệm xã hội có tác dụng tích cực đối với hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là tăng trưởng về lợi nhuận.
Hương Giang (TBNH)

Tin cùng chuyên mục