Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:06

Trao đổi kinh nghiệm

Những chế độ người lao động cần nắm nếu mất việc vì COVID-19

11/08/2020

Dịch COVID-19 khiến nhiều người bị mất việc làm, do vậy những chế độ như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hỗ trợ học nghề,... người lao động cần biết để bảo đảm quyền lợi của mình cũng như có một khoản thu nhập để trang trải trong thời gian chưa kiếm được việc làm.

Dịch COVID-19 khiến nhiều người bị mất việc làm, do vậy những chế độ như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hỗ trợ học nghề,... người lao động cần biết để bảo đảm quyền lợi của mình cũng như có một khoản thu nhập để trang trải trong thời gian chưa kiếm được việc làm.
Căn cứ vào Bộ luật lao động 2012 và Luật Việc làm 2013, có 5 chế độ mà người lao động cần biết khi mất việc.
Chế độ thôi việc hoặc mất việc
Trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ) chấm dứt theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Chế độ trợ cấp thất nghiệp
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau, có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc để được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ không xác định thời hạn, hoặc có xác định thời hạn;
Hoặc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt HĐLĐ mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm trên cơ sở nhu cầu, khả năng của người lao động và nhu cầu của thị trường lao động.
Đối với người lao động khác có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng phải trả phí tư vấn, giới thiệu việc theo quy định của pháp luật về phí.
Chế độ hỗ trợ học nghề
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệpĐã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐtheo quy định của pháp luật.
Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật phải nhận người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Minh Phương (Báo Lao động)

Tin cùng chuyên mục