Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 18:09

Tin hoạt động ngân hàng

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

14/05/2020

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo thống nhất và quán triệt thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Ngành,

Ngày 13/5/2020, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Chương trình THTK, CLP và công tác đầu tư xây dựng năm 2020. Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN chủ trì Hội nghị.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thủ trưởng, lãnh đạo cấp phòng phụ trách kế toán, cán bộ theo dõi về công tác THTK, CLP của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; đại diện Lãnh đạo và Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Nhà máy In tiền Quốc gia…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để đánh giá lại kết quả thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP và công tác đầu tư xây dựng toàn Ngành trong năm 2019, cũng như phổ biến, quán triệt mục đích, yêu cầu, những nội dung cốt lõi của Chương trình hành động năm 2020 và những định hướng công tác đầu tư xây dựng năm 2020, hôm nay, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt trong toàn Ngành nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức để Thủ trưởng đơn vị từ Trung ương tới cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình THTK, CLP và công tác đầu tư xây dựng một cách có hiệu quả ở cơ quan, đơn vị mình.
Phó Thống đốc đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu các tài liệu, tham gia ý kiến và đề xuất những giải pháp, sáng kiến để áp dụng có hiệu quả trong toàn Ngành. Đặc biệt là các giải pháp trong quản lý, điều hành của NHNN và triển khai hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp (DN) để đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ, khắc phục khó khăn cho các DN và người dân dưới sự tác động của dịch Covid-19.
Công tác THTK, CLP và đầu tư xây dựng triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, toàn diện
Năm 2019, với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Ban Lãnh đạo NHNN và các đơn vị trong toàn Ngành, hoạt động ngân hàng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng; các mục tiêu, định hướng phát triển của Ngành cơ bản hoàn thành. Góp phần không nhỏ trong thành tích chung đó là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình hành động về THTK, CLP của NHNN và các đơn vị trong Ngành.
Các đơn vị đã quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về TK, CLP trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công; hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản và đầu tư xây dựng công trình; đẩy mạnh tiết kiệm từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương và tổ chức thực hiện, quyết toán dự án. Do vậy, tỷ lệ hoàn thành các kế hoạch mua sắm tài sản, kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2019 của NHNN đều đạt tỷ lệ cao hơn năm trước. Chất lượng tài sản mua sắm và công trình xây dựng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công việc và vị thế của NHNN. Tổ chức bộ máy và biên chế của NHNN ngày càng tinh gọn, chất lượng.
Các TCTD, tổ chức tài chính và DN có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng đã chủ động điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; vừa gia tăng các khoản doanh thu, đặc biệt là doanh thu từ hoạt động dịch vụ, vừa đẩy mạnh tiết kiệm chi phí quản lý. Do vậy, hầu hết các đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận được giao năm 2019; tỷ lệ tăng chi phí thấp hơn tỷ lệ tăng tổng thu nhập của các đơn vị…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THTK, CLP ngành Ngân hàng và đầu tư xây dựng của NHNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức và quy định chưa được hoàn thiện kịp thời; một số khoản mục chi phí đã tiết kiệm nhưng chưa cao…
Hội nghị xác định, năm 2020 có vai trò hết sức quan trọng, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, việc triển khai Chương trình THTK, CLP không chỉ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 mà còn tạo đà cho kế hoạch 5 năm tiếp theo 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu đó, công tác THTK, CLP phải đảm bảo các yêu cầu và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2020, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của NHNN; (ii) Thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về THTK, CLP ban hành theo Quyết định số 259/QĐ-NHNN ngày 20/02/2020 của NHNN và Chương trình hành động của từng đơn vị; (iii) Chấp hành nghiêm các chỉ tiêu tiết kiệm nêu tại Chương trình hành động và quy định, tiêu chí chấm điểm tiết kiệm trong sử dụng kinh phí theo quy định tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/01/2020 của Thống đốc NHNN, trong đó, đảm bảo các chỉ tiêu lớn sau: NHNN và các đơn vị sự nghiệp tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với kế hoạch được duyệt, trong đó, các đơn vị NHNN (Chi nhánh tỉnh, thành phố, các Cục, Chi cục, Sở Giao dịch, Cơ quan Thanh tra giám sát) tiết kiệm tối thiểu 3% tổng kinh phí được giao khoán); Các TCTD và DN có 100% vốn nhà nước tiết giảm tối thiểu 5% chi phí quản lý so với kế hoạch. Các TCTD, DN cổ phần thực hiện giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu so với các năm trước.
Dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Hội nghị đã tiến hành thảo luận, giải đáp các vướng mắc, khó khăn của các đơn vị, Chi nhánh NHNN, các TCTD trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình THTK, CLP, công tác đầu tư xây dựng, quy chế quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ của NHNN.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, qua báo cáo đánh giá cũng như ý kiến phát biểu của các đồng chí cho thấy, công tác THTK, CLP và đầu tư xây dựng của ngành Ngân hàng thời gian qua nói chung và trong năm 2019 nói riêng được triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, toàn diện theo các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo thống nhất và quán triệt thực hiện nghiêm Chương trình THTK, CLP
Để việc triển khai Chương trình hành động về THTK, CLP và công tác đầu tư xây dựng năm 2020 tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được của những năm trước và nâng cao hiệu quả hơn nữa, Phó Thống đốc yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo thống nhất và quán triệt thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Chương trình THTK, CLP năm 2020 của Ngành, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP.
“Tinh thần tiết kiệm trong chi phí quản lý hành chính, chi phí hoạt động ngân hàng kể từ NHNN đến các NHTM Nhà nước, NHTMCP trong năm 2020 phải có tinh thần cao hơn nhiều so với những năm trước. Tinh thần này phải được quán triệt tới tất cả cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống, thực hiện chủ trương của Chính phủ, đồng hành cùng với DN và người dân trong điều kiện tác động rất lớn của Covid-19 gây ra cho nền kinh tế. Cắt giảm ngân sách cũng là nội dung lớn khi được giao khoán cho các đơn vị. Trong bối cảnh như hiện nay, đặc biệt trong xu hướng xã hội hiện nay thì các hoạt động chi tiêu của ngân hàng nếu không được quán triệt tinh thần tiết kiệm với trách nhiệm cao sẽ rất nhạy cảm”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc yêu cầu, với tất cả những công trình xây dựng cơ bản, dự án sử dụng vốn đầu tư công nói chung, trong đó sử dụng vốn của ngành Ngân hàng thực chất cũng có nguồn gốc từ ngân sách phải trên tinh thần khẩn trương, giải ngân tích cực, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ dự án; kể cả những dự án mua sắm tài sản lớn, tài sản tập trung… đều không để chậm trễ, bởi chậm trễ chính là đồng hành với sự lãng phí.
Phó Thống đốc yêu cầu “phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác THTK, CLP. Trong điều kiện chúng ta đang phải tiết giảm chi phí nhưng công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát vẫn phải được đặt lên thường xuyên, mặc dù đã làm rất tốt nhưng không thể lơ là”.
Phó Thống đốc nhấn mạnh lại một lần nữa quan điểm xuyên suốt không cắt giảm để làm ảnh hưởng hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiệp vụ. Phó Thống đốc đơn cử như với công tác thanh tra giám sát là nhiệm vụ trọng tâm của NHTW, chương trình theo kế hoạch, đột xuất… chắc chắn công tác thanh tra giám sát đòi hỏi ngày một nâng cao chất lượng hơn, cao hơn, trách nhiệm nặng nề hơn từ thanh tra Trung ương cho tới các chi nhánh tỉnh, thành phố thì cũng phải có kinh phí tương xứng. Một số lĩnh vực khác tại Cơ quan TW như: lĩnh vực điều hành xây dựng cơ chế chính sách, kinh doanh tiền tệ ngoại tệ, việc hoạch định cơ chế chính sách pháp luật… sẵn sàng tăng cường nguồn lực, kinh phí cho lĩnh vực này.
Tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, chế độ chi tiêu rõ ràng, minh bạch hơn; phân cấp đầy đủ hơn giữa Trung ương và chi nhánh, tạo sự chủ động hơn cho các chi nhánh và thủ trưởng các đơn vị nhưng vẫn phải giám sát chặt chẽ; Tiếp tục công khai, minh bạch vấn đề liên quan vốn, khoán, mua sắm, xây dựng cơ bản…
Đối với riêng công tác THTK, CLP, Phó Thống đốc đề nghị, các đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch đầu năm, sau khi đã được phê duyệt kế hoạch thì phải triển khai thực hiện chủ động; Chủ động xây dựng kế hoạch tiết giảm chi phí như: chi mua sắm, đặc biệt chi phí nếu tiết giảm được bớt đi hành chính, hình thức, phong trào như khai trương, khánh thành, hội thảo, công tác nước ngoài, giấy tờ, điện, nước, lương, thưởng… Xây dựng và tiết giảm tại mỗi đơn vị của mình vấn đề chi mua sắm, hội nghị, công tác nước ngoài, giấy tờ, điện, nước. Vấn đề lương, thưởng… kể cả NHNN chứ không riêng gì NHTM để giảm chi phí hỗ trợ DN; Tăng cường sử dụng hiệu quả tài sản, công cụ (trụ sở, xe ô tô, máy móc thiết bị…) đảm bảo hiệu quả, sử dụng lâu dài. Chi bảo dưỡng hợp lý để có thể sử dụng lâu dài; Trang bị tài sản đúng quy định, đúng đối tượng, đúng định mức tập trung dành cho những đơn vị đã và đang xây dựng cơ bản cũng như sắp tới; Quan tâm thẩm định giá, mua sắm tài sản, nhất là những dự án, gói thầu có tính chất mua sắm tập trung của Ngành, đúng quy định; nghiêm cấm trường hợp lợi dụng mua bán để trục lợi; đấu thầu qua mạng phải thực hiện đúng quy định; vấn đề thanh lý tài sản cần được chú trọng; Tăng cường hội nghị trực tuyến, đặc biệt đối với Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, các tỉnh tăng cường học trực tuyến; đẩy nhanh dự án E-Learning tiết giảm nhiều chi phí đi lại, tổ chức tập trung.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, các DN, Phó Thống đốc đề nghị triển khai chủ trương, biện pháp tăng thu, giảm chi, cân đối nguồn thu chi của các đơn vị sự nghiệp. Các DN (Nhà máy In tiền Quốc gia, VAMC, DIV) đặc biệt quan tâm tiết kiệm. 4 NHTMNN thực hiện tốt Quy định 2678 là cơ chế quản lý đối với người đại diện, thẩm quyền quy định rất rõ. NHTM sắp xếp lại cơ sở vật chất, trụ sở theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính với các NHTM.
Với lĩnh vực XDCB, chúng ta đã có định hướng, chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến NHTM Nhà nước, các NHTMCP nên các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục triển khai định hướng đó khẩn trương, trong thời gian tới, những công trình lớn, trọng điểm, những công trình cần thiết nâng tầm vai trò, trách nhiệm, vị thế NHNN trên các địa bàn. NHTM tiếp tục phối hợp cùng với Đề án tái cơ cấu hệ thống để tổ chức, phát triển, xây dựng, mua sắm trụ sở cho phù hợp; đầu tư những dự án lớn về công nghệ phù hợp với Đề án tái cơ cấu và xu hướng phát triển, định hướng phát triển, phù hợp với Đề án tái cơ cấu của từng TCTD… Khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình, kế hoạch, dự án được phê duyệt.
Đấu thầu, dự án CNTT, dự án lớn cần khẩn trương quan tâm, bám sát văn bản mới để thực hiện theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp giữa Vụ Tài chính - Kế toán, chi nhánh, NHTM không để trì trệ ngay cả quy trình trình duyệt, phê duyệt, thẩm định. Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành đã thành lập, triển khai mạnh mẽ và tiếp cận những dự án với tư cách chủ đầu tư hay tư cách Ban Quản lý. Dù có Ban Quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành nhưng vai trò, trách nhiệm và việc tham gia quản lý dự án tại địa phương của Ciám đốc NHNN chi nhánh vẫn không thay đổi. Tập trung vào những dự án lớn như NH09, Trung tâm Xử lý tiền phía Nam, khởi động Trung tâm Xử lý tiền phía Bắc; những công trình lớn có kho trung chuyển, công trình đã và đang đáp ứng yêu cầu dung lượng cũng như tăng cường an toàn kho quỹ với các trụ sở có kho của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; NHTM tập trung vào những dự án lớn.
Theo SBV

Tin cùng chuyên mục