Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 17:51

Tin hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do ngập mặn

23/03/2020

Ngày 23/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.

Ngày 23/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; đồng thời đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.
Tham dự và chủ trì buổi làm việc có ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN; đại diện lãnh đạo UBND, Mặt trận tổ quốc của 5 tỉnh nói trên; đại diện các vụ, cục chức năng, chi nhánh NHNN tại 5 tỉnh, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, 4 tổ chức tín dụng (TCTD) lớn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tín dụng cho các tỉnh ĐBSCL tăng trưởng cao hơn của toàn quốc

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kịp thời, mang ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất đối với các tỉnh ĐBSCL đang chịu tác động kép về dịch bệnh, thiên tai. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh để các tỉnh trong khu vực này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và thời gian tới.

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ về tín dụng, ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL khắc phục khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, ổn định sản xuất kinh doanh, được Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. 

Nhờ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, thì tín dụng đối với nền kinh tế và tín dụng cho khu vực ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng toàn khu vực đạt 665.876 tỷ đồng, tăng 15% so với 31/12/2018, tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn quốc (13,7%), chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc. 

Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - các mặt hàng nông sản là thế mạnh của khu vực - cũng luôn được các TCTD đặc biệt quan tâm đầu tư và có mức tăng trưởng cao hơn của toàn quốc. Theo đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22% so với cuối năm 2018 và chiếm tỷ trọng 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; dư nợ cho vay lúa gạo tăng 7,5%; thủy sản tăng 11,8%; rau quả tăng 15,9%.

Hạn mặn ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế các tỉnh ĐBSCL

Bên cạnh kết quả đạt được, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Toàn cảnh hội nghị

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh vùng ĐBSCL đã phát biểu, nêu rõ thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra ở mức độ gay gắt hơn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Như tại tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, hạn mặn diễn ra sớm hơn dự báo tới 2 tháng và gần như phủ khắp tỉnh Bến Tre. Theo tính toán sơ bộ, số tiền thiệt hại của đợt hạn mặn này gần 2.000 tỷ đồng cao hơn cả đợt hạn mặn lịch sử trước đó vào năm 2015-2016 tại tỉnh này. Còn tại Cà Mau, riêng sản xuất lúa thiệt hại khoảng 18.500 ha...

Những khó khăn trên đã tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng, khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang thấp dưới 2%.

Ngành Ngân hàng sẵn sàng chung tay chống hạn mặn

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, cũng như đợt xâm nhập mặn năm 2016, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, NHNN kịp thời có Văn bản số 1835/NHNN-TD ngày 18/3/2020 yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các TCTD (bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; đồng thời cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. 

Cùng với đó, NHNN đã quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng; chỉ đạo các TCTD cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. 

Ghi nhận và thấu hiểu về những khó khăn mà các tỉnh đang gặp phải, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, trước khó khăn kép của 5 tỉnh ĐBSCL, ngành Ngân hàng nhận thấy trách nhiệm kép hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về chủ trương chung, NHNN sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp sát hơn nữa với định hướng phát triển của 13 tỉnh vùng ĐBSCL nói chung cũng như cụ thể từng tỉnh nói riêng. Các cơ chế chính sách NHNN đưa ra phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, với các loại hình doanh nghiệp... 

Phó Thống đốc cũng cam kết ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn tín dụng cho khu vực ĐBSCL để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất. 

Trao quà ủng hộ của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trị giá 3 tỷ đồng cho tỉnh Cà Mau
NHNN tiếp tục Chỉ đạo các TCTD ưu tiên tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực thế mạnh, các công trình, dự án kinh tế trọng điểm, có hiệu quả, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, phát huy tiềm năng các ngành, lĩnh vực thế mạnh (nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch,…), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL; thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng tập trung vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD kịp thời nắm bắt thực trạng, chủ động triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ đối với các khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn, các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới,… theo quy định để khách hàng ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn tài trợ vốn cho các dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL, tạo thuận lợi về cơ chế, quy chế, thủ tục và điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống chính đáng của người dân, là định hướng chính sách của NHNN trong thời gian tới.

Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đạt kết quả cao và ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành Ngân hàng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp, hỗ trợ TCTD trên địa bàn trong công tác huy động vốn; phối hợp triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Chỉ đạo các các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định…

Theo thoibaonganhang.vn



Tin cùng chuyên mục