Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:10

Trao đổi kinh nghiệm

Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, Bảo hiểm xã hội...

12/03/2020

Ngày 01 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Ngày 01 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 và thay thế các Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ.
Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, tại Chương II (từ Điều 6 đến Điều 37) quy định chi tiết về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động. Xin giới thiệu một số nội dung có liên quan:
* Tại Điều 27 của Nghị định - Vi phạm quy định về lao động nữ với những điều khoản cụ thể sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;
b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
b) Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Lao động;
c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;
d) Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật Lao động trừ trường hợp việc làm cũ không còn;
đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
g) Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật Lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Buộc nhận lại người lao động trở lại làm việc khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.
* Tại Điều 37 của Nghị định - Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn với những điều khoản cụ thể sau:
1. Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng kinh phí công đoàn;
b) Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
c) Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
2. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định chi tiết việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực lao động (như: tuyển lao động, quản lý lao động, hợp đồng lao động, giao kết hợp đồng lao động, thử việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động, đối thoại tại nơi làm việc, tiền lương…) và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chi tiết tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP đính kèm xem tại đây
NTT

Tin cùng chuyên mục