Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 17:41

Tin hoạt động ngân hàng

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng

13/01/2020

Ngày 11/1/2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương lao động hạng II và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Ngày 11/1/2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương lao động hạng II và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020. Với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trong năm 2019 nói riêng và 20 năm qua nói chung, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thủ trưởng một số đơn vị NHNN: Vụ Pháp Chế, Vụ Truyền thông, Viện chiến lược Ngân hàng…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú trao tặng Huân chương lao động hạng II cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương lao động hạng II, Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Đào Quốc Tính cho biết, ngày 9/11/1999,Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, với tôn chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 07/07/2000 theo khung pháp lý là Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Nghị định 109/2005/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89) , Quyết định 75/2000/QĐ-TTg. Năm 2012, Quốc hội khóa 13 thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012, theo đó, cơ sở pháp lý về bảo hiểm tiền gửi đã được quy định đầy đủ, đồng bộ và toàn diện hơn, phù hợp với chủ trương, định hướng quản lý, phát triển hệ thống các TCTD Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trải qua 20 năm với nhiều khó khăn và thách thức, được sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng, Bộ, Ban, Ngành của Chính phủ và các Vụ, Cục thuộc NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tới nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng được một bộ máy hoạt động hiệu quả, gồm Trụ sở chính và 08 chi nhánh hoạt động tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước, với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng vàđạo đức nghề nghiệp tốt.
Ông Đào Quốc Tính cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 5 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục và thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó tập trung theo dõi đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với NHNN Chi nhánh Tỉnh, Thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các QTDND yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với NHNN một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các QTDND.Trong thời gian qua, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt gần 59 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đã tăng lên 5.000 tỷ đồng, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Trải qua 20 năm với nhiều khó khăn và thách thức, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để đạt được những kết quả trên. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã khái quát một số kết quả mà ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2019. Phó Thống đốc cho biết, ngành Ngân hàng tự hào đã đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, đánh giá cụ thể, sâu sắc, toàn diện tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 vào ngày 2/1 vừa qua.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ thế giới một số giai đoạn biến động mạnh nhưng NHNN đã kiểm soát tốt tiền tệ và duy trì được lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 2,01%, giúp kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 2,79%, thấp hơn mục tiêu 4%. Tỷ giá biến động thấp nhất trong khu vực, chỉ số đô la hóa ở ngưỡng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây và dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục 79 tỷ đôla.
Chủ động kiểm soát tăng trưởng ở mức độ tương đối thấp so với thời kỳ trước đây nhưng được phân bổ hiệu quả, chất lượng được nâng cao, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên nên mặc dù tín dụng chỉ tăng khoảng 13,7% nhưng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mức cao 7,02%. Toàn Ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy lùi tín dụng đen.
Công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trong năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả rất quan trọng. Quy mô và hiệu quả hoạt động của các TCTD tiếp tục được cải thiện, có 18 NHTM đã được áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước hạn; năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Công tác chấn chỉnh, củng cố QTDND được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương và an toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%. Các mặt hoạt động khác như hoạt động thanh toán, đảm bảo an ninh, an toàn, hoàn thiện thể chế, thanh tra, giám sát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, công tác truyền thông, hợp tác quốc tế... trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt được trong năm 2019 và 20 năm qua. Phó Thống đốc chúc mừng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng II – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập.
Phó Thống đốc cho rằng,với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trong năm 2019 nói riêng và 20 năm qua nói chung, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn thực thi các quy định có liên quan nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động cải tiến quy trình nghiệp vụ, đổi mới công tác quản trị, điều hành phù hợp với quy định của pháp luật trong từng giai đoạn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD và vai trò giám sát đối với tổ chức tham gia bảo hiểm, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và hỗ trợ các TCTD yếu kém thực hiện phương án cơ cấu lại thông qua việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, sau 20 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD.
Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu, Bảo hiểm tiền gửi phải nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của NHNN. Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên BHTGVN cần nhận thức sâu sắc và nỗ lực hơn nữa phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn năm 2016-2019 cũng như 20 năm qua, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2020, tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của Ngành, đặc biệt là trong công tác hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc lưu ý một số nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2019 của Bảo hiểm tiền gửi: Một là, hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính đã được NHNN giao trong năm 2019;
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN, hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ các Đề án: (i) Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; (ii) Đề án phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt; (iii) Đề án nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm; (iv) Triển khai tổng kết Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tập trung nguồn lực xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có kết quả các Đề án sau khi được phê duyệt.
Ba là, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD nói chung và QTDND nói riêng theo chỉ đạo của NHNN, đặc biệt là Chỉ thị 06 ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN với một số nội dung trọng tâm như: tăng cường vai trò BHTG trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Bốn là, Sử dụng có hiệu quả dữ liệu từ NHNN và các dữ liệu BHTGVN thu thập qua các kênh khác để thực hiện tốt vai trò giám sát và trở thành một kênh giám sát hiệu quả hỗ trợ NHNN trong công tác quản lý, giám sát các TCTD. Ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến kết hợp kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu nhằm phát hiện, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND nói riêng cũng như toàn hệ thống các TCTD nói chung, nhất là an toàn tiền gửi.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức BHTG, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại. Tổ chức tốt công tác bảo trì và chuyển giao, làm chủ công nghệ mới của các hệ thống thuộc dự án FSMIMS để chủ động đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động hàng ngày và yêu cầu nghiệp vụ mới trong tương lai.
Sáu là, phối hợp với chi nhánh NHNN các tỉnh, các đơn vị có liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Về dài hạn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu, BHTG VN cần chủ động đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi phù hợp với thông lệ quốc tế, phấn đấu đến năm 2030, điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi hướng tới bảo vệ toàn bộ 90%-95% người gửi tiền được bảo hiểm và bổ sung thêm cơ chế để tạo điều kiện cho BHTGVN nâng cao năng lực tài chính; phát triển BHTGVN theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, NHNN là cơ quan đại diện chủ sở hữu với mô hình tổ chức bộ máy hợp lý, hệ thống quản trị điều hành đồng bộ, nâng cao năng lực hoạt động, trình độ người lao động, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong hầu hết các quy trình quản trị và quản lý...
Tại Lễ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương lao động hạng II và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đã trao tặng Huân chương lao động hạng II cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đây là sự ghi nhận cho những thành quả mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đạt được trong trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, cũng là động lực lớn lao cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục cố gắng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
NN (SBV)


Tin cùng chuyên mục