Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 16:53

Tin hoạt động ngân hàng

Ngân hàng 2020: Củng cố hoạt động để bước đi đường dài

22/11/2019

Năm 2020, các chuyên gia cũng nhận thấy, đối với việc tăng vốn của các nhà băng, sẽ rất khó để trông chờ vốn có thể tăng từ lợi nhuận, mà cần có những giải pháp để thu hút đầu tư từ các cổ đông trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài để bổ sung nguồn vốn hoạt động.

Năm 2020, các chuyên gia cũng nhận thấy, đối với việc tăng vốn của các nhà băng, sẽ rất khó để trông chờ vốn có thể tăng từ lợi nhuận, mà cần có những giải pháp để thu hút đầu tư từ các cổ đông trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài để bổ sung nguồn vốn hoạt động.
Kỳ vọng cán đích thành công
Mùa báo cáo tài chính quý III/2019 đã kết thúc với điểm nhấn là lợi nhuận ngành Ngân hàng. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo có phần tích cực đối với triển vọng lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2019.
Đơn cử như Vietcombank, ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III/2019 đạt 6,31 nghìn tỷ đồng, nâng con số lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm lên 17.613 tỷ đồng. Với cả năm 2019, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm ngoái.
Hay như với TPBank, công ty chứng khoán này duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế của TPBank sẽ tăng 41,8% lên 3,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2019. VIB cũng được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2019 và năm 2020... Có được kết quả kinh doanh khả quan này một phần cũng nhờ chi phí dự phòng rủi ro của không ít ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua như Techcombank, ACB...
Phía các chuyên gia của công ty chứng khoán KBSV thì nhận định, NIM nhiều khả năng tiếp tục mở rộng ở nhóm NHTMCP tư nhân, thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng tốt với sự quyết liệt của các ngân hàng ở mảng thanh toán và bảo hiểm. Ngoài ra, chi phí hoạt động còn nhiều dư địa cải thiện và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt nhờ chất lượng tài sản chưa có dấu hiệu yếu đi.
Do đó, theo KBSV, lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn sẽ tăng trưởng khá tốt trong năm 2019, đảm bảo mục tiêu của từng ngân hàng. Mặt bằng định giá P/B nhìn chung khá ổn định trong năm 2019, nên trong điều kiện các yếu tố vĩ mô được duy trì ổn định, ngân hàng nào có kết quả kinh doanh tốt và bên vững sẽ là cơ hội đầu tư tốt trong giai đoạn sắp tới.
BSC cũng nâng triển vọng ngành Ngân hàng từ mức Trung lập lên mức Khả quan từ quý II/2019 do định giá ngành về mức hấp dẫn và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Trong quý IV/2019, theo nhận định của BSC, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có dự phân hóa về tốc độ tăng trưởng, các ngân hàng với chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn.
BSC dự báo trong năm 2019, lợi nhuận trước thuế của toàn ngành Ngân hàng sẽ tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. BSC cũng kỳ vọng thu nhập ngoài lãi toàn Ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh từ 20-30% so với cùng kỳ đối với toàn hệ thống nhờ việc tiếp tục tăng thu từ dịch vụ, bancassurance, trái phiếu, tăng trưởng khách hàng cá nhân...
Trong khi theo một chuyên gia kinh tế, việc tín dụng tăng thấp trong năm nay cũng hạn chế phần nào khả năng sinh lời của nhà băng. Song điều này là cần thiết cho cả ngành Ngân hàng để có thể kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn. Đồng thời tạo sức ép buộc các nhà băng phải đa dạng hóa hoạt động để cải thiện nguồn thu, đẩy mạnh thu từ dịch vụ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, vẫn còn những vấn đề mà các ngân hàng cần phải đặc biệt lưu tâm như đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, kể cả đối với nợ xấu mới phát sinh hay nợ xấu còn tồn đọng.
Phát triển bền vững
Bước sang năm 2020, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính nhìn nhận, sức ép với các ngân hàng có thể sẽ lớn hơn khi mà các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động được siết chặt hơn, tiêu chuẩn về an toàn vốn được nâng cao hơn… trong khi những biến động từ bên ngoài được dự báo vẫn rất lớn. Theo ông có một số vấn đề mà các NHTM cần đặc biệt chú trọng trong năm tới. Thứ nhất là nằm ở vấn đề lãi suất.
Ngày 19/11 vừa qua, NHNN đã có quyết định giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi dưới 6 tháng và giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. Động thái này của NHNN cộng thêm tình hình thanh khoản đang diễn biến tốt sẽ hỗ trợ các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn, tăng cơ hội có thể giảm lãi suất cho vay.
Song chuyên gia này cũng lưu ý, việc giảm lãi suất cho vay sẽ không chỉ trên cơ sở giảm chi phí vốn, mà còn liên quan tới việc kiểm soát chi phí trong đó có dự phòng rủi ro, nợ xấu và các chi phí khác. Thứ hai, để có thể duy trì lợi nhuận khả quan, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh triển khai số hoá quy trình nghiệp vụ ngân hàng, để tiết giảm chi phí đầu tư cho nhân sự, marketing.
Nhìn rộng hơn, CEO một NHTMCP cho rằng, tình hình kinh tế thế giới năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhất là đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu chưa đi đến thoả thuận cuối cùng thì sẽ vẫn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Còn với riêng vấn đề quản trị rủi ro, theo ông này, bên cạnh việc giải quyết vấn đề ngân hàng yếu kém trong hệ thống, năm 2020 Thông tư 41 với những quy định khắt khe hơn về an toàn vốn cũng chính thức có hiệu lực. Cùng với đó, NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, buộc các ngân hàng phải có những tính toán chặt chẽ và cụ thể trong chi phí quản trị ngân hàng hiệu quả.
“Nhưng khách quan mà nói, việc bỏ ra một chi phí đầu tư lớn trong quản trị, hy sinh một phần lợi nhuận sẽ tốt hơn đối với mỗi ngân hàng về đường dài. Quản trị rủi ro hiệu quả cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển vững vàng hơn trong quá trình hội nhập với thế giới. Ngân hàng sẽ chuyển dần trọng tâm từ hoạt động cho vay sang tư vấn và làm dịch vụ, tập trung vào kinh doanh bền vững thay vì tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá”, vị CEO này nhấn mạnh.
Năm 2020, các chuyên gia cũng nhận thấy, đối với việc tăng vốn của các nhà băng, sẽ rất khó để trông chờ vốn có thể tăng từ lợi nhuận, mà cần có những giải pháp để thu hút đầu tư từ các cổ đông trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài để bổ sung nguồn vốn hoạt động.
Minh Khôi (theo thoibaonganhang)

Tin cùng chuyên mục