Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 16:53

Tin hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67

06/11/2019

Ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều khách hàng là ngư dân vay vốn đóng "tàu 67",

Ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều khách hàng là ngư dân vay vốn đóng "tàu 67", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã thông tin như vậy khi phát biểu bổ sung phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/11 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn đầu tiên trong 3 ngày Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có hơn nửa ngày trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, xoay quanh vấn đề chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.
Bộ trưởng NN-PTNT cũng sẽ thông tin về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng như hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
Các giải pháp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến Nghị định 67
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết tại Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong đó cả 246 tàu khai thác, 14 tàu dịch vụ hậu cần và 8 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp với 50 tàu gỗ; đã có 61 chủ tàu ký hợp đồng đóng mới gồm 48 tàu thép, 8 tàu composite và 5 tàu gỗ; tổng số tiền cho vay gần 931 tỷ đồng và ngân hàng đã giải ngân 911 tỷ đồng.
Cũng theo đại biểu Nhường, nhờ cú hích Nghị định 67 đã hiện đại hóa tàu cá vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghị định đã xảy ra một số bất cập. Dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng do khách hàng chậm trả nợ, do chi phí vận hành tàu sắt lớn, gồm có chi phí nhân công nhiều người hơn và nhiên liệu nhiều hơn nhưng đánh bắt sản lượng tăng không bao nhiêu, bởi vì nguồn lợi thủy sản của chúng ta có hạn, dẫn đến không hiệu quả nên ngư dân chậm trả nợ hoặc không trả nợ, tác động lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển. Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi. Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.
Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.
Để thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt bất cập đã phát sinh nên ngày 2/2/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67.
Sau hơn 3 năm triển khai, tính từ ngày 25/4/2014 đến 31/12/2017, thời điểm dừng ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 1.178 tàu (1.032 tàu đóng mới) với tổng số tiền cho vay gần 11.700 tỷ đồng.
Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, “Về phía ngành Ngân hàng, chúng tôi đã chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều khách hàng nông dân và ngư dân vay vốn. Thứ hai là ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, nợ lãi sau và thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu…”, Thống đốc NHNN phát biểu.
Trả lời bổ sung về các giải pháp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến Nghị định 67, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết hiện nay, tổng dư nợ cho vay còn lại theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng, tuy nhiên nợ xấu hiện chiếm khoảng 33%. Trước diễn biến trên, từ cuối năm 2018, NHNN với trách nhiệm theo dõi các hoạt động tín dụng của mình đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan triển khai các biện pháp. Gần đây nhất, ngày 30/10, sau khi làm việc với các địa phương và bộ, ngành liên quan, NHNN tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ triển khai xử lý.
Theo đó, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy hải sản và các nhóm nghề, ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác hiệu quả và bền vững hơn. UBND các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có từ cuối năm 2018, trong đó tập trung phối hợp với ngành Ngân hàng rà soát các trường hợp cụ thể. Trong trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ cùng với ngành Ngân hàng để cơ cấu lại nợ cho ngư dân, còn trong trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ì thì cũng phối hợp với ngành Ngân hàng để thu hồi nợ.
Bản thân ngành Ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt là có giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm được bàn giao, đồng thời hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Những ngành hàng nhỏ phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn: Việc giải cứu nông sản, Bộ trưởng có trách nhiệm thế nào? Việc ngư dân Việt Nam vi phạm ở nước ngoài, trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị. Ví dụ như Bắc Giang, gà đồi Yên Thế bán rất tốt, ở Sơn La quả xoài xuất khẩu ra quốc tế rất tốt.
Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắc Nông) đặt câu hỏi: Giải pháp gì để phục hồi, chuyển đổi khi được mùa mất giá hay được giá mất mùa?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Tổ chức sản xuất chuỗi liên kết sẽ giảm hiện tượng được mùa mất giá. Về tổng thể, có thể khẳng định chúng ta đang tạo ra chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bất cập nhất là khâu chế biến và tổ chức thương mại.
Ví dụ, Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng hạt tiêu của thế giới, phát triển chỉ trong 7 năm nên thừa là đương nhiên. Do đó, sắp tới phải tập trung chế biến, chế biến sâu; ngoài ra, phải rà soát để kiểm soát diện tích của từng loại cây cho hiệu quả. Từ đó, khắc phục được hiện tượng được mùa mất giá.
Về giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Ông ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết, ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 210 và trong giải pháp đến năm 2020 có nêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Như vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức sản xuất đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất giá trị nông sản và phát triển thị trường.
"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn", đại biểu Trang nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên của đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 57 của Thủ tướng ban hành thay thế Nghị định 210 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là một thay đổi nhằm khuyến khích nhiều hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tập trung đầu tư khu vực nông nghiệp. Sau khi nghị định được ban hành, tất cả các tỉnh, thành phố đều tập trung triển khai thực hiện.
“Nghị định này có một số liệu rất đáng vui, chỉ trong vòng 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ chỗ hơn 3.000 doanh nghiệp, đến nay đã có 11.800 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Đó là một thành công bước đầu. Thành công nữa là hầu hết các tập đoàn lớn của nước ta đã hướng đến khu vực nông nghiệp. Các Tập đoàn TH Truemilk, Vinamilk… và hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác đã hướng vào phân khúc của khu vực nông nghiệp tạo nên một hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa”, Bộ trưởng phát biểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, số liệu này là chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bởi lẽ trong tổng số 11.800 doanh nghiệp chỉ có 49.000 doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, chỉ chiếm 8 % trong tổng số 750.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Như vậy con số này còn ít so với sự cần thiết phải làm hạt nhân cho 8,6 triệu hộ nông dân.
NN (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục