Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:07

Hỏi - Đáp

Bảo vệ quyền lợi của lao động nữ

29/10/2014

Khi DN vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, trước tiên người lao động có thể đề nghị tổ chức CĐ tại doanh nghiệp hoặc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nơi doanh nghiệp hoạt động tiến hành trao đổi với người sử dụng lao động.

Câu hỏi: Những quy định về đối xử với lao động nữ được Bộ luật Lao động ghi khá rõ, nhưng nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm, nhất là chế độ thai sản của chị em. Nhiều người bị cho thôi việc ngay khi sinh nở xong. Vậy chúng tôi phải trông cậy vào cơ quan nào để xin được bảo vệ quyền lợi này?

Trả lời: 

Việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản hoặc ngay sau khi sinh con là một vi phạm nghiêm trọng về quyền thai sản của lao động nữ được quy định trong khoản 3 Điều 155, khoản 1 Điều 157 Bộ luật Lao động.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2012, tổ chức Công đoàn có thể “tham gia với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và tổ chức đại diện người sử dụng lao động để trao đổi, giải quyết các vấn đề về lao động”.

Vì vậy, khi doanh nghiệp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, trước tiên người lao động có thể đề nghị tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi doanh nghiệp hoạt động (nếu doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) tiến hành trao đổi với người sử dụng lao động.

Căn cứ Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 43-CP hướng dẫn thi hành Điều 10- Luật Công đoàn 2012, trao đổi trực tiếp và có ý kiến với người sử dụng lao động để ngưới sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về chế độ thai sản.

Trong trường hợp người sử dụng lao động vẫn không chấp hành pháp luật thì công đoàn sẽ có kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước về lao động yêu cầu giải quyết việc chấp hành pháp luật lao động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm thì tuỳ từng trường hợp có thể khởi kiện ra toà án.

Đối với trường hợp doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vừa sinh con, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động hoặc cơ quan đại diện cho người lao động có thể trực tiếp khởi kiện doanh nghiệp vi phạm lên toà án để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho lao động nữ về thai sản theo quy định của pháp luật. Tuỳ từng mức độ vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.