Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 20:02

Tin TLĐ

Tổng LĐLĐVN và Chính phủ: Đồng hành nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

03/09/2019

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thay mặt Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN ký ban hành Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019 - 2023”.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã thay mặt Ban chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐVN ký ban hành Chương trình “Công đoàn (CĐ) Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2019 - 2023”.
Ảnh minh họa: H.A
6 nhiệm vụ và giải pháp
Một trong những mục tiêu của chương trình là khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức CĐ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong sự phối hợp và đồng hành với Chính phủ; tiếp tục khẳng định sự đóng góp quan trọng của Tổng Liên đoàn và các cấp CĐ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mục tiêu của chương trình còn là tuyên truyền, vận động đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ) nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hăng say lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động. CĐ phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN.
Chương trình đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: 1/Tuyên truyền để nâng cao nhận thức và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. 2/ Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN. 3/Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và rộng khắp. Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 4/ Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 5/ Đồng hành cùng DN thực hiện tốt công tác chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ, tạo động lực làm việc hiệu quả. 6/ Duy trì và tổ chức thực hiện tốt chương trình phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Từ 6 nhiệm vụ và giải pháp, theo đó, tuyên truyền để đoàn viên, NLĐ, các cấp CĐ nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ CĐ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ, đến DN, khởi nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, cải cách hành chính…
Tham gia đầy đủ, có chất lượng 100% văn bản là các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và chính quyền các cấp xin ý kiến. Các ý kiến đóng góp phải đảm bảo quyền lợi của NLĐ, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực tham gia và nâng cao chất lượng công tác thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại với người sử dụng lao động.
Chủ động công tác thông tin, đối thoại và tham gia các diễn đàn về chính sách lao động ở ngành, địa phương. Phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và kiến nghị kịp thời các giải pháp khắc phục. Làm tốt công tác tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, cốt lõi là tạo được sự hài hòa lợi ích vật chất giữa NLĐ và DN trên nền tảng hợp tác và tôn trọng.
Phát động, tổ chức thực hiện chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, DN và từng cá nhân. CĐ các cấp tập trung đầu tư phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ”, đẩy mạnh hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động như “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, “CĐ đồng hành vì sự phát triển bền vững của DN vì việc làm, đời sống của CNLĐ”. Đẩy mạnh phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm…
Đưa vào nội dung thương lượng để xác định trong thỏa ước lao động tập thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế số. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo của CĐ Việt Nam, gắn kết với nhu cầu giữa nhà trường và DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt việc chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ, thực hiện hiệu quả Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên CĐ”, với chủ đề “Mỗi CĐCS - một lợi ích đoàn viên” thông qua các hoạt động cụ thể của tổ chức CĐ, nhằm tăng thêm lợi ích tốt hơn cho đoàn viên và NLĐ. Tích cực lựa chọn, thương lượng, ký kết các thỏa thuận với đối tác, nhằm mang đến cho đoàn viên CĐ nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả các thiết chế CĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có chính sách cho NLĐ là đoàn viên CĐ được hưởng các ưu tiên về giá, quyền được ưu tiên sử dụng, được mua, được cung cấp trước so với các đối tượng khác chưa là đoàn viên CĐ khi có nhu cầu tại các thiết chế CĐ.
Tiếp tục rà soát nội dung, đề xuất các giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp với Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Hàng năm có đánh giá, sơ kết kết quả đã đạt được, xác định nhiệm vụ của năm tới. Nghiên cứu ký mới các chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương chưa ký kết. Xác định các nội dung cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, NLĐ và tổ chức CĐ…
Một số chỉ tiêu của chương trình
- 100% tổ chức CĐ các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đoàn viên CĐ, NLĐ hiểu về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
- 100% LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện và CĐ ngành Trung ương, CĐ Tổng công ty trực thuộc ký kết chương trình hoặc quy chế phối hợp công tác với chính quyền, cơ quan chuyên môn đồng cấp.
- 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương hưởng ứng, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, đồng thời tổ chức được ít nhất một (01) phong trào thi đua mang tính đặc thù của địa phương, ngành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững DN, ngành, địa phương.
- 100% tổ chức CĐ các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, đổi mới tác phong, chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; đến năm 2023 có ít nhất 70% CĐCS có các hình thức phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, NLĐ, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nền kinh tế số. 
B.C.Đ (Theo Laodong.vn)

Tin cùng chuyên mục