Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 20:02

Tin TLĐ

Công ước 87 của ILO: Không phải “khiên đỡ” cho hành vi vi phạm pháp luật

26/08/2019

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi về tổ chức đại diện người lao động, cơ chế đối thoại tại nơi làm việc”.

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi về tổ chức đại diện người lao động, cơ chế đối thoại tại nơi làm việc”. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là CBCĐ, đại diện ngành LĐTBXH, các chuyên gia về pháp luật lao động, giảng viên trường đại học, chuyên gia của ILO…
Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn
Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ Phó, Phụ trách Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH - cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (dự thảo) thu hút sự quan tâm rất lớn của các đối tượng bị tác động và dư luận. Bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều ý kiến băn khoăn tập trung vào 3 vấn đề lớn là: Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) và tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở. Việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp, đối tượng trong xã hội về dự thảo sẽ góp phần làm cho dự thảo khi được phê chuẩn thành luật sẽ bám sát thực tiễn hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH, trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đàm phán và ký kết có đề cập đến các vấn đề về lao động. Việc tham gia các FTA không những góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn giúp cho việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ được tốt hơn, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới cũng như chủ trương, yêu cầu đặt ra của Đảng, Nhà nước trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đều nhìn nhận khi có thêm tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở ở DN thì tạo ra cạnh tranh trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, do đó NLĐ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không chỉ riêng với tổ chức CĐ mà còn với cả hệ thống chính trị vì lần đầu tiên có tổ chức đứng ngoài hệ thống, nên có thể xảy ra tình trạng lợi dụng quyền hoạt động CĐ để có những hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay hoạt động bình thường của DN.
Đã ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật
Ông Trần Ngọc Vân - Phó Chủ tịch CĐ Các KCX-KCN Bình Dương - đề xuất, dự thảo cần có quy định NLĐ chỉ được quyền tham gia làm thành viên của một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho mình, chứ không được đồng thời tham gia nhiều tổ chức khác nhau. Quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở, tránh tình trạng có quá nhiều tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở, gây xáo trộn hoạt động DN. Và cần có quy định thời gian cụ thể cán bộ CĐ hay người của tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở được quyền gặp đoàn viên của mình ngay trong DN để sinh hoạt nội bộ.
Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - đề xuất, dự thảo cần quy định rõ NLĐ nước ngoài có được quyền gia nhập, thành lập các tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở ngoài hệ thống CĐ Việt Nam hay không? Các tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở có được quyền nhờ các chuyên gia bên ngoài hỗ trợ để đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) hay không? Từ thực tế hoạt động, ông Hà cũng khuyến nghị dự thảo nên quy định cần có ít nhất 20 đoàn viên mới được thành lập tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở; nếu ít đoàn viên quá thì không đủ để hoạt động. Cần có quy định thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở khi không còn đoàn viên...
Đại diện ILO cho rằng, các quy định tại chương XIX của dự thảo đã ngăn ngừa việc lợi dụng quy định hoạt động CĐ để vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm nhằm mục đích chính trị. Mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức, nhưng Công ước 87 của ILO quy định rõ không cho phép tổ chức đại diện NLĐ nào được lợi dụng quyền tự do để hoạt động phi pháp. Công ước của ILO không phải là “khiên đỡ” cho hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở phải chứng minh cho hoạt động hợp pháp của mình khi thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Nam Dương (theo laodong.vn)


Tin cùng chuyên mục