Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 19:58

Tin hoạt động ngân hàng

Những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ

09/05/2019

"Điểm sáng nhất của NHNN năm 2018 là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn…"

"Điểm sáng nhất của NHNN năm 2018 là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn…", đó là phát biểu của TS.Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương sáng ngày 8/5 tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019
Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa" là dịp để chúng ta nhìn lại bức tranh ngành Ngân hàng năm 2018 với những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, diễn biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, những khởi sắc trong hoạt động thanh toán đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2019; từ đó đề ra các chiến lược và chương trình hành động của ngành ngân hàng trong năm 2019 và những năm tiếp theo với tham vọng ngân hàng Việt có thể vươn xa sánh vai cùng các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Thông tin tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động phức tạp, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó thu được những kết quả tích cực.
Theo đó, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm điều tiết và hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát; tạo nền tảng cơ bản để các TCTD cho vay với lãi suất hợp lý, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Kết quả, mặc dù lãi suất các nước trên thế giới thời gian qua đang có xu hướng gia tăng, NHTW nhiều nước có xu hướng từng bước chuyển dần sang việc thực thi CSTT thắt chặt nhưng mặt bằng lãi suất trong nước về cơ bản được duy trì ổn định. Việc đạt được kết quả nêu trên là một nỗ lực lớn của toàn ngành ngân hàng.
NHNN đã điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường, giữ mặt bằng lãi suất tương đối ổn định để tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng phù hợp với mục tiêu, cơ cấu tín dụng theo đồng tiền diễn biến phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi - vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn tín dụng chung và tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tăng chậm lại.
Lạm phát bình quân năm 2018 tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu 4% - đánh dấu nhiều năm liên tiếp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đã góp phần quan trọng vào thành công trong việc điều hành lạm phát do Chính phủ và Quốc hội giao.
Đối với thị trường ngoại tệ, dù có nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá trong nước vẫn tương đối ổn định, đặc biệt khi so với mức độ mất giá của các đồng tiền mới nổi và đang phát triển, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện mà Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế uy tín nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Chuyên gia Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương
Theo đánh giá của TS.Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng; thứ hai lãi suất, tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.
"Điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn", ông Võ Trí Thành nhận xét.
Cũng theo ông Thành, điểm đặc biệt 2018 là NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỉ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.
Từ năm 2012 tới nay, NHNN có 3 nhiệm vụ cơ bản: chính sách tiền tệ ổn định thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo thông lệ tốt nhất như Basel 2. Nhưng khó khăn nhất là lành mạnh hoá ngân hàng và đáp ứng thông lệ tốt nhất.
Ông Thành cho biết them, FDI dựa không nhiều vào tín dụng trong nước, mà nền kinh tế Việt Nam bị dẫn dắt bởi FDI đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu, chế biến chế tạo. Thế nên, ông Thành đặt câu hỏi: "Vậy FDI dựa vào vào hệ thống tín dụng tới đâu?"
Phiên thảo luận về đóng góp của điều hành chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua và những điều cần lưu ý
Đánh giá về chính sách tiền tệ thời gian qua, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết: "Chúng tôi đi nhiều quốc gia kêu gọi đầu tư FDI tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định Việt Nam là điểm sáng đầu tư FDI, nhờ thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có tỉ giá. Cách thức điều hành của NHNN đã thông minh hơn rất nhiều, tận dụng truyền thông và các biện pháp kỹ thuật".
Theo vị chuyên gia này, thông thường những năm trước đây, NHNN giữ tỉ giá cố định, nhưng nay đã linh hoạt và điều chỉnh ngay, tạo niềm tin thị trường. Khi có biến động thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định nên cách điều hành phải ổn định, thống nhất, tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai.
Đề cập đến việc những năm gần đây các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có đánh giá tích cực cũng như nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bức tranh vĩ mô từ năm ngoái tới nay các tổ chức quốc tế đều nâng hạng Việt Nam và họ có 5 tiêu chí để xem xét: tăng trưởng kinh tế; tăng thu nhập bình quân đầu người; thể chế; hệ thống tài chính ngân hàng; một số yếu tố khác như chính trị, độ mở kinh tế, sức chống chọi với cú sốc bên ngoài.
TS Lực phân tích, chúng ta đạt được 4 điểm tốt và S&P đã nâng hạng: Kinh tế năm ngoái và nay tăng trưởng tốt, dự kiến khoảng 6,7% trong năm nay; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 6%, cao hơn so với những nước đang xếp hạng tương tự chúng ta. Về tài khoá và tiền tệ đã có tiến triển, nợ công, nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát. “Về hệ thống ngân hàng, đểm sáng là chính sách tỷ giá tương đối ổn định trong 3 năm qua và năm nay, dự trữ ngoại hối tăng tích cực trong thời gian qua, nâng cao uy tín của đồng nội tệ. Ngoài ra, cán cân vãng lai tốt, thu hút FDI liên tục”, ông Lực nói.
Đê đạt những thành công trên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng,  những nhân tố chính để đạt được kết quả tích cực trên phải kể đến là: hoạt động của ngành ngân hàng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao; sự bản lĩnh và quyết liệt của Thống đốc cùng sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo NHNN; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong NHNN từ trung ương tới địa phương cùng các TCTD; niềm tin và sự đồng thuận và ủng hộ của doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống ngày càng tăng cao. Điều đó đã giúp cho NHNN kiên định đi tới mục tiêu đã đề ra và có những giải pháp, chính sách nhanh nhạy, kịp thời, có các kế hoạch triển khai những trọng tâm công việc của ngành. Cuối cùng đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao vị thế của ngành ngành Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
NN (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục