Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:06

Trao đổi kinh nghiệm

Chế độ thai sản dành cho lao động nữ

07/05/2019

Các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được sự quan tâm của đông đảo người lao động; đặc biệt là các quy định cụ thể có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực của người lao động nữ,

Các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được sự quan tâm của đông đảo người lao động; đặc biệt là các quy định cụ thể có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực của người lao động nữ, trong đó có các nội dung chi tiết về điều kiện để được hưởng chế độ thai sản và thời gian dành riêng cho lao động nữ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi cần biết, bao gồm:
1. Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ thai sản:
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Lao động nữ mang thai;
b. Lao động nữ sinh con;
c. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ. Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
(Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
2. Người lao động đang mang thai, nghỉ việc vẫn có thể được hưởng chế độ thai sản (nếu đủ điều kiện):
Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
(Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014). 

3. Những khoảng thời gian quan trọng mà lao động nữ khi mang thai và khi sinh con cần chú ý:

* Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con:
Lao động nữ phải đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) bắt buộc tối thiểu 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh thì mới được hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi nêu trên.
 (Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH năm 2014 và Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH).
* Số ngày được nghỉ để đi khám thai:
Lao động nữ mang thai được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang tai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Và như vậy, lao động nữ được nghỉ tối đa 10 ngày để đi khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc mà không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
(Theo quy định tại Điều 32 Luật BHXH năm 2014).
* Số tháng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con:
Lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
(Theo quy định tại Điều 34 Luật BHXH năm 2014)
* Điều kiện lao động nữ đi làm trước khi hết hạn nghỉ thai sản:
Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định, nếu đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ sinh con đi làm trước hạn vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ sinh con.
(Theo quy định tại Điều 40 Luật BHXH năm 2014 và Điều 157 Bộ Luật lao động năm 2012).
* Thời hạn nộp hồ sơ để được hưởng chế độ thai sản:
Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Như vậy, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nghỉ sinh con đi làm trở lại, người lao động phải nộp hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động. Nếu quá thời hạn trên, để được hưởng chế độ thai sản thì người lao động phải nộp thêm văn bản giải trình về lý do chậm nộp kèm hồ sơ theo quy định.
(Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH và văn bản hướng dẫn có liên quan)./.
Nguyễn Thái

Tin cùng chuyên mục