Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:04

Sổ tay cán bộ công đoàn

Công đoàn Việt Nam - nơi bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

09/10/2014

85 năm ra đời, phát triển và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam.

“Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(Trích: Điều 10 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992).


85 năm ra đời, phát triển và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu và nhận thức đúng về các chức năng hoạt động chủ yếu của công đoàn giai đoạn hiện nay là vấn đề quan trọng để từ đó hiểu đúng về vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới. Về bản chất, chức năng của công đoàn mang tính khách quan, nó tồn tại không phụ thuộc vào sự áp đặt từ bên ngoài hay ý chí, nguyện vọng chủ quan của mỗi đoàn viên, nó được xác định bởi tính chất, vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn. Trên thực tế, không nên nhận thức máy móc, cứng nhắc về chức năng của công đoàn. Bởi vì, cùng với sự phát triển của xã hội, chức năng của công đoàn cũng có sự bổ sung và phát triển. Sự bổ sung, phát triển các chức năng của công đoàn không có nghĩa là phủ định, từ bỏ những chức năng đã có mà thực chất là làm phong phú thêm các chức năng; đồng thời tránh sa vào tư tưởng nóng vội, phủ định một cách vô căn cứ những chức năng của công đoàn đã được thử thách qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam đã và đang thực hiện tốt ba chức năng: Thứ nhất, Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; Thứ hai, Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vị chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; Thứ 3, Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động, công đoàn cần nhận thức và giáo dục đầy đủ và sâu sắc đến mỗi đoàn viên các vấn đề cơ bản như: Lợi ích của người lao động phải gắn liền với lợi ích của Nhà nước, của tập thể, phải hài hòa với lợi ích của người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển vững mạnh của Nhà nước chính là đảm bảo được lợi ích người lao động. Nhà nước là người đảm bảo lợi ích, doanh nghiệp và người lao động tạo ra lợi ích, công đoàn là người bảo vệ lợi ích. Đấy là quan hệ biện chứng, khăng khít giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng thời, nó là cơ sở quan trọng để công đoàn ngày càng gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân trong điều kiện mới, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam giai đoạn hiện nay./.

 (Lê Ngân)

(theo Trang thông tin điện tử thành phố Vũng Tàu).

Tin cùng chuyên mục