Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:08

Sổ tay cán bộ công đoàn

Công đoàn với công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ

08/07/2014

Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC, LĐ là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với CNVCLĐ.

Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC, LĐ là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với CNVCLĐ đó được ghi trong điều 10 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992; điều 1 Luật CĐ năm 2012 và điều 188 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012.

Đây còn là mong muốn, nguyện vọng của CNVC, LĐ là chức năng số 1 của tổ chức Công đoàn. Vì CĐ chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC, LĐ mà người lao động tham gia tổ chức CĐ. Nó là vấn đề xuyên suốt của hoạt động CĐ, các chức năng khác, nhiệm vụ khác xoay quanh vấn đề này.

Hoạt động CĐ diễn ra ở rất nhiều loại hình cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác nhau trong điều kiện đất nước ta đổi mới, hội nhập, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều thuận lợi song cùng hàng ngày hàng giờ nảy sinh những khó khăn phức tạp.

Do có mâu thuẫn về lợi ích mà trong bất kỳ đơn vị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng thường xuyên xảy ra vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC, LĐ, giữa thủ trưởng cơ quan đơn vị, tổ chức, NSDLĐ với CNVC, LĐ. Những vấn đề cụ thể ở các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thường khác nhau nhưng thường tập trung trong một số vi phạm như:

Vi phạm quyền dân chủ: quyền tham gia ý kiến, quyền được thông tin, tham gia hội họp, học tập, tham gia CĐ, quyền đối thoại....

Vi phạm lợi ích vật chất và tinh thần thường biểu hiện:

* Vi phạm về tuyển dụng, HĐLĐ, cho thôi việc, chấm dứt HĐLĐ.

* Vi phạm về tiền lương: trả lương thấp không tương xứng với công sức trí tuệ của CNVC, LĐ, kéo dài thời hạn hoặc không nâng lương.

Liên tục nâng định mức lao động làm cho tiền lương không phản ánh đúng trình độ, sức lao động, thời gian lao động của CNLĐ. Trong tiền lương không trả tiền nặng nhọc độc hại. Chia tiền lương thành nhiều mục phụ cấp để tránh nộp BHXH.

* Vi phạm về HĐLĐ như: không ký HĐLĐ, ký không đúng thời hạn, công việc, có nhiều điểm, nhiều mục trong HĐLĐ ký không rõ ràng, chung chung, không giao 01 bản HĐLĐ cho CNLĐ, không thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt HĐLĐ, không trả trợ cấp khi thôi việc, mất việc làm. Vi phạm giữa 2 NSDLĐ khi cho thuê lại lao động.

* Vi phạm về BHXH: không đóng BHXH cho CNLĐ hoặc đóng nhưng với mức thấp, chậm nộp BHXH với cơ quan BHXH dẫn đến thanh toán chậm cho CNLĐ hoặc khi chấm dứt HĐLĐ không kịp thời làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, không kịp thời đóng BHXH ở cơ quan mới tiếp nhận; phải đi lại nhiều để thanh toán các chế độ và có nhiều người vì ở xa đi lại nhiều khó khăn đã bỏ; có những cá nhân làm trong lĩnh vực này đã hưởng lợi từ NLĐ.

Thanh toán không đủ số tiền theo quy định cho NLĐ...

Đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho nhau giữa 2 NSDLĐ khi cho thuê lại lao động...

* Vi phạm về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi:  Làm thêm giờ nhiều nhất là ở các doanh nghiệp sản xuất gia công giầy, may mặc, thời gian làm thêm trong năm có khi tới gần 1.000 giờ, vượt xa ngưỡng 200, 300 giờ do nhà nước quy định. Có doanh nghiệp vi phạm ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ trong tuần, ngày nghỉ phép của CNLĐ qua việc nâng định mức, thực hiện khoán sản phẩm....

* Vi phạm về khen thưởng, kỷ luật lao động: Khi NLĐ có thành tích, đặc biệt là khi có sáng kiến làm lợi NSDLĐ có khen thưởng theo cảm tính riêng của mình, không có hội đồng xác nhận và như vậy NLĐ không có điều kiện nhận các phần thưởng tiếp theo như: danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động sáng tạo...

Khi bị kỷ luật thường không có hội đồng xét kỷ luật, đuổi việc thông qua lời nói, không căn cứ...

* Vi phạm không tạo điều kiện thành lập CĐCS, hạn chế hoạt động của cán bộ CĐ, khất lần nhiều lần khi cán bộ CĐ cấp trên cơ sở tới làm việc và thành lập CĐ...

Những vi phạm này diễn ra với NLĐ và cả NSDLĐ là người Việt Nam đại diện cho các công ty 100% vốn nước ngoài. Những vi phạm có khi là một trường hợp cụ thể, có khi cả công ty hàng chục ngàn người, có khi là hàng loạt công ty cùng vi phạm.

Những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm:

1. Vấn đề lợi ích của NSDLĐ, họ không muốn chia sẻ cho xứng đáng với công việc của NLĐ nên tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, hạn chế mở hầu bao.

2. Do nhận thức của NSDLĐ và NLĐ không hiểu biết pháp luật, NSDLĐ và NLĐ cùng sai hoặc NLĐ không biết đòi hỏi.

3. Các cơ quan thanh tra kiểm tra đó làm việc thiếu trách nhiệm, thường chỉ gặp gỡ thủ trưởng cơ quan, NSDLĐ và đại diện NSDLĐ, chưa tìm hiểu kỹ các vấn đề, vô tình sau các đợt thanh kiểm tra các sai phạm có điều kiện thực hiện công khai hơn.

4. Do tổ chức CĐ, nhất là CĐCS không đủ mạnh để tuyên truyền, hướng dẫn, tham gia ý kiến, tổ chức đối thoại, ký thoả ước lao động tập thể với nhiều điều không có lợi cho NLĐ, nguyên nhân này  là do cán bộ CĐCS cũng là NLĐ ký HĐLĐ nên lo lắng bị mất việc làm.

Những nguyên nhân và kết quả của vi phạm đó dẫn đến những đấu tranh trực diện hoặc không trực diện của CNVC, LĐ. Ở những cơ quan đơn vị, tổ chức thường là đơn thư khiếu kiện, tố cáo có danh và nặc danh, là sự thuyên chuyển cán bộ, không khí tâm lý nặng nề, chất lượng công việc thấp. Xuất hiện chuyện tiếu lâm, thơ ca hò vè trào phúng, tiêu cực.

Ở các doanh nghiệp và sự chuyển dịch lao động rất lớn từ các doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ thấp sang doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ cao làm phức tạp cho các cơ quan lao động, BHXH, BHYT, BHTN. Có các giai đoạn cao trào dẫn đến dừng việc tập thể ở 1 doanh nghiệp rồi lan sang hàng loạt các doanh nghiệp khác làm cho cả NSDLĐ và NLĐ đều thiệt hại nhưng thắng lợi cuối cùng thường về NLĐ do nâng được thu nhập hàng tháng.

Trong những năm qua, tổ chức CĐ đó cố gắng rất nhiều trong lĩnh vực này, từ tham gia ý kiến sửa đổi Luật tới các biện pháp cụ thể giải quyết từng trường hợp cụ thể với từng người, từng doanh nghiệp và hàng loạt doanh nghiệp, đã can thiệp giải quyết được quyền lợi cho CNVC, LĐ tạo nên niềm tin của NLĐ đối với CĐ. Cũng đã xuất hiện những đơn vị, công ty ngày càng nhận thức sâu sắc việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ tạo nên sức mạnh cho công ty trong cuộc cạnh tranh như công ty TNHH ShinTS – BVT đã quan tâm xây dựng nhà trẻ, đón hơn 100 cháu từ 2 – 5 tuổi, nuôi dạy không thu bất cứ khoản tiền nào của mẹ các cháu.

Để làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVC, LĐ, còn nhiều việc cần nhận thức và làm là:

1.Hoạt động CĐ phải tập trung vào thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC, LĐ, từ đó triển khai các chức năng khác phục vụ và hỗ trợ cho chức năng này thông qua các hoạt động:

Tham gia soạn thảo sửa đổi pháp luật để có điều luật, có chế tài áp dụng.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật tới NSDLĐ và NLĐ. Xác định rõ NSDLĐ là đối trọng nhưng còn là đối tượng, đối tác để quan hệ. NSDLĐ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, có khi không chú ý các pháp luật, văn bản khác nên thường xao nhãng hoặc không thực hiện đúng. NLĐ vì không hiểu biết luật cũng đòi hỏi đấu tranh sai hoặc không biết để tự bảo vệ mình, yêu cầu tổ chức CĐ bảo vệ mình.

Các hình thức tuyên truyền phải thực tế, phong phú, không làm mất nhiều thời gian của NSDLĐ như các tờ rơi, tài liệu bỏ túi, đưa các nội dung tài liệu pháp luật vào sinh hoạt tổ CĐ.

Các hoạt động ở CĐCS thường quan tâm nhiều tới tặng quà các dịp lễ, tết mà chưa dành kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật.

Củng cố, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật ở CĐ các cấp.

Khi có văn bản pháp luật mới, Tổng LĐ, hội đồng Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản pháp luật cần có bản tiếng Anh, tiếng Trung chuẩn để cung cấp cho NSDLĐ ở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Việc chấm điểm thi đua cuối năm của hệ thống CĐ còn dàn trải, chưa thể hiện tập trung cho công tác này.

2. CĐ phối hợp và đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả các cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp trong việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, kiểm tra cụ thể việc thi hành pháp luật lao động và luật CĐ. Việc kiểm tra phải thực hiện công khai và thâm nhập thực tế dưới nhiều hình thức mới có kết quả đúng.

3. Tổ chức CĐ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ CĐCS hiểu biết pháp luật, biết cách tham gia, biết cách chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, phối hợp khéo léo nhịp nhàng với CĐ cấp trên cơ sở để đấu tranh song vẫn bảo toàn lực lượng. Đấu tranh có hiệu quả mà vẫn giữ mối quan hệ bình thường và tốt với NSDLĐ.

Có các biện pháp tổng kết, thông tin, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong hệ thống cán bộ CĐ để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVC, LĐ và thực hiện đúng chức năng CĐ, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng CNVC, LĐ đồng thời sẽ làm cho CĐ ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Làm cho CĐ thật sự là chỗ dựa, là niềm tin của CNVC, LĐ; là chỗ dựa, cộng tác đắc lực của nhà nước; là sợi dây nối liền Đảng với CNVC, LĐ, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất độc lập giàu mạnh, dân chủ và tiến bộ./.

Tin cùng chuyên mục