Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 23:49

Tin hoạt động ngân hàng

Cho vay vốn người nghèo là nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội là trách nhiệm cộng đồng

18/10/2018

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế chống đói nghèo và cũng chính là ngày Vì người nghèo Việt Nam - 17/10, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Đào Minh Tú để hiểu thêm những đóng góp của toàn ngành Ngân hàng đối với hoạt động ASXH và hỗ trợ người nghèo.

Bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo như tín dụng chính sách, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng luôn chủ động, tích cực triển khai công tác an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Sau 17 năm triển khai, cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo” được đánh giá là phong trào đầy tính nhân văn, thể hiện được sức mạnh, tình yêu thương của những tấm lòng nhân ái và đang ngày càng lan tỏa rộng khắp. Ngành Ngân hàng là một trong số các bộ ngành luôn đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo qua hoạt động tín dụng, an sinh xã hội (ASXH) đã có những hỗ trợ rất thiết thực, góp phần tích cực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cho toàn xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế chống đói nghèo và cũng chính là ngày Vì người nghèo Việt Nam – 17/10, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Đào Minh Tú để hiểu thêm những đóng góp của toàn ngành Ngân hàng đối với hoạt động ASXH và hỗ trợ người nghèo.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng quà cho người nghèo tại Quảng  Bình
Xin Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có những chính sách tín dụng nào thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo?
Trong những ngày này, cả nước đang hướng tới ngày 17/10 - ngày vì người nghèo. Và tôi được biết, hàng năm, vào ngày 17/10, có một chương trình hết sức đặc biệt do Trung ương Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức sự kiện kêu gọi tất cả chung tay vì người nghèo. Một trong những mục tiêu quốc gia quan trọng của Đảng, Nhà nước ta là tiến tới giảm tỷ lệ nghèo đói một cách nhanh nhất. Và có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được mục tiêu này trong thiên niên kỷ vừa qua sớm nhất trong số các quốc gia có cùng điều kiện.
Theo số liệu công bố mới nhất của Việt Nam, tỷ lệ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều hiện nay đối với hộ nghèo là 6,7%; hộ cận nghèo khoảng 5,3%. Đây là kết quả của một quá trình lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quyết liệt, tích cực, dành tập trung tối đa các điều kiện, nguồn lực để hỗ trợ người nghèo.
Trong rất nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện chủ trương lớn trên, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là công cụ tín dụng ngân hàng trực tiếp cho người nghèo. Qua nhiều đợt tổng kết mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, cũng như qua các hội thảo, với những báo cáo đánh giá đều khẳng định: tín dụng ngân hàng đối với người nghèo là công cụ hiệu quả nhất, tác dụng thiết thực nhất đối với người nghèo, đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững vừa qua.
Chúng ta vẫn thường nói, hỗ trợ người nghèo là cần phải cho cần câu chứ không phải cho xâu cá. Có “cần câu” - nguồn vốn, người nghèo có thêm cơ hội sản xuất kinh doanh, có thêm thu nhập để vượt qua nghèo đói. Và khi có nhiều vốn hơn thì có chăn nuôi, trồng trọt nhiều hơn, sản xuất kinh doanh nhiều hơn và sẽ đảm bảo không tái nghèo. Hay nói cách khác đảm bảo giảm nghèo bền vững hơn.
Bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo như tín dụng chính sách, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng luôn chủ động, tích cực triển khai công tác an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Hệ thống VBSP là một trong những kênh chủ lực phục vụ hỗ trợ người nghèo vay vốn
Phó Thống đốc có thể nói rõ hơn về những chính sách tín dụng cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo?
Đối với tín dụng người nghèo, những năm qua chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chính vì thế, ngành Ngân hàng đã dành nguồn lực tín dụng rất lớn cho người nghèo.
Trong tổng dư nợ tín dụng của cả nước hiện nay khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, thì dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) chiếm 1,65 triệu tỷ đồng. Trong đó, riêng tín dụng trực tiếp cho những hộ nghèo hiện nay khoảng 285 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 tín dụng cho NNNT. Đây là nguồn vốn hệ thống NH huy động tổng hợp từ nguồn lực Nhà nước, huy động trong nền kinh tế từ đơn vị tổ chức và cá nhân. Từ nguồn vốn này, ngành Ngân hàng đã xây dựng, triển khai những cơ chế chính sách thuận lợi nhất để đảm bảo người nghèo tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, từ điều kiện, thủ tục cho đến thời hạn vay vốn, lãi suất.
Trong hoạt động ngân hàng thì tín dụng đối với người nghèo luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn ngành Ngân hàng triển khai rất quyết liệt. Chúng tôi có rất nhiều chính sách cụ thể cho các đối tượng cụ thể, và có rất nhiều chương trình tín dụng cho vay người nghèo. Hiện nay, có khoảng 23 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP). Khi phát sinh khó khăn do thiên tai lũ lụt, do đặc điểm vùng miền…
Chúng tôi có ngay những chính sách hỗ trợ kịp thời cho vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn để người nghèo ổn định cuộc sống. Các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo đều là đối tượng được quan tâm và ưu đãi nhiều nhất trong quan hệ tín dụng hiện nay.
Vậy kết quả của ngành Ngân hàng trong công tác hỗ trợ người nghèo, an sinh xã hội trong thời gian qua như thế nào, thưa Phó Thống đốc? Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng đang có kế hoạch như thế nào để chung tay thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo?
Đến thời điểm này, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Giai đoạn 2002 – 2017, đã có hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ VBSP. Nguồn vốn này đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Trong năm 2018, đến hết quý III, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo của VBSP đạt trên 96 nghìn tỷ đồng với trên 3,1 triệu khách hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trực tiếp đối với người nghèo hàng năm duy trì tăng đều đặn ở mức 7-8%.
Có thể nói, hệ thống VBSP là một trong những kênh chủ lực phục vụ hỗ trợ cho người nghèo vay vốn. Đây là mô hình tín dụng đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Mô hình tín dụng đối với người nghèo này được đánh giá là một thành công lớn của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Chúng ta đã có kết quả rất tích cực, khi số người nghèo giảm nhanh và giảm một cách bền vững nhanh hơn so với nhiều nước có điều kiện giống như Việt Nam. Mô hình ngân hàng này là hiệu quả, trước hết là trên cơ sở nỗ lực của VBSP khi tổ chức triển khai chính sách xuống tận bản làng, tận người dân. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi về lãi suất, điều kiện vay vốn, có lẽ một điều đặc biệt nhất đó là sự chăm sóc đối với người nghèo đến từng gia đình. Cán bộ tín dụng của ngân hàng đến trực tiếp gia đình hộ nghèo để cho vay, thu nợ, giải ngân, để hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Mô hình hoạt động của VBSP cho thấy sự quan tâm rất sao của ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh VBSP, các TCTD khác như Agribank, hệ thống QTDND, các tổ chức tài chính vi mô cũng như một số quỹ tài chính địa phương thông qua Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cũng hỗ trợ trực tiếp người nghèo vay vốn.
Không chỉ hỗ trợ thông qua cho vay trực tiếp người nghèo, hệ thống NHTM, TCTD trong cả nước cũng có những hoạt động gián tiếp hỗ trợ người nghèo như cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vùng khó khăn, có nhiều dự án chương trình đầu tư thỏa đáng cho các dự án, các công trình kinh tế, các DN… tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo, tạo hạ tầng cơ sở tốt hơn, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất ra cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Đây là kết quả chung hoạt động tín dụng của toàn Ngành trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh hoạt động tín dụng, công tác ASXH của ngành Ngân hàng nói chung, trong nhiều năm qua được triển khai tích cực, hiệu quả. Mục tiêu hướng tới của ngành NH trong công tác ASXH trước hết là ý thức cộng đồng, trách nhiệm với người nghèo, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước là “không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì thế, nhiều năm qua cán bộ nhân viên trong Ngành bằng trách nhiệm cộng đồng, ý thức với người nghèo truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hàng năm đều dành một khoản kinh phí đóng góp cho hoạt động ASXH.
Khoản kinh phí này trước hết từ chính nguồn đóng góp của cán bộ nhân viên bằng tiền lương của mình. Hai là từ Quỹ phúc lợi của TCTD, NHTM tạo ra và nguồn chi phí hợp lý được phép sử dụng cho mục đích ASXH này. Trong năm 2017, Ngành đã hỗ trợ trên 1.348 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xây nhà tình nghĩa… Các chương trình tài trợ của Ngành tập trung vào các địa phương còn gặp nhiều khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, với nhiều huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững…
Trong 9 tháng đầu năm 2018, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng đã dành trên 960 tỷ đồng để thực hiện các chương trình ASXH trên toàn quốc, trong đó 108 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo với 1.651 ngôi nhà được xây dựng. Và dự kiến từ nay đến cuối năm theo kế hoạch, chúng tôi cố gắng thực hiện hỗ trợ cho các hoạt động ASXH khoảng 1.150 tỷ đồng. Với mục đích ý nghĩa nhân văn của các chương trình trên, khi NHNN chỉ đạo các NHTM tích cực chung tay tạo sự cộng hưởng lớn trong toàn Ngành. Chính vì thế, hoạt động ASXH của toàn Ngành đã đạt con số tích cực như thời gian vừa qua.
Thời gian tới, hưởng ứng cuộc vận động của Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ an sinh xã hội đối với các đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nghèo để giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hà Thành thực hiện (theo thoibaonganhang.vn)

Tin cùng chuyên mục