Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 01:50

Tin TLĐ

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2018): Chủ tịch Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân

16/08/2018

Đồng chí Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20.8.1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày 20.8.2008, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong diễn văn khai mạc đã khẳng định đó là tấm gương của “một nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường mẫu mực, người lãnh đạo quý mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh: T.L
Đồng chí Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20.8.1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1909, Tôn Đức Thắng vào làm ở xưởng đóng tàu Ba Son, trở thành một trong những người thợ giỏi, đồng thời tích cực vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học để chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân chống đánh đập, cúp phạt, cải thiện điều kiện làm việc.
Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên vào làm thợ máy cho hải quân Pháp. Ngày 20.4.1919, Chiến hạm của Pháp ngang nhiên tiến công Biển Đen và bắn phá cảng Xêvaxtôpôn của nước Nga Xôviết, lúc này Tôn Đức Thắng đã dũng cảm, cùng anh em binh lính trong hạm đội Pháp, đứng lên phản chiến. Tôn Đức Thắng đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ nước Nga, nhà nước Xôviết đầu tiên trong lịch sử loài người.
Sau vụ binh biến Biển Đen, Tôn Đức Thắng rời khỏi hải quân Pháp và trở lại Sài Gòn hoạt động. Trong những năm tháng sống ở Pháp và tham gia phong trào đấu tranh của thủy thủ Pháp, Tôn Đức Thắng đã ý thức được sức mạnh của giai cấp công nhân. Từ những kinh nghiệm tích lũy được khi tham gia trong tổ chức và hoạt động công đoàn ở thành phố Tulông, miền Nam nước Pháp, năm 1920 khi trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng đã sớm nhận thấy cần phải tổ chức ra Công hội ở nước ta nhằm tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ, vận động công nhân để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập dân tộc.
Thời điểm này cũng là lúc phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đang phát triển khá mạnh. Tháng 8.1920, cuộc bãi công kết hợp biểu tình của thủy thủ trên các con tàu đang neo tại cảng Sài Gòn - được sự ủng hộ của Hội Viên chức bưu điện Sài Gòn và các tầng lớp lao động khác - diễn ra sôi nổi và giành thắng lợi.
Hơn ai hết, Tôn Đức Thắng càng nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh của tổ chức, của sự phối hợp đoàn kết đấu tranh trong hàng ngũ công nhân lao động và điều đó càng thôi thúc Tôn Đức Thắng xúc tiến nhanh chóng việc hình thành một tổ chức tập hợp, hướng dẫn, bảo vệ công nhân trong cuộc sống cũng như trong tranh đấu.
Tôn Đức Thắng đã cùng với một số công nhân vận động, tổ chức thành lập những cơ sở Công hội bí mật đầu tiên ở Nam Bộ và thành lập nhóm lãnh đạo gồm một số cốt cán trong công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong điều kiện hoạt động bí mật, phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, Công hội Sài Gòn vẫn không ngừng trưởng thành, phát triển (đến năm 1925 đã có khoảng 300 hội viên), thực sự là tổ chức tương thân, tương trợ của công nhân và vận động, hướng dẫn công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đặc biệt, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8.1925 gắn với vai trò tổ chức, lãnh đạo của Công hội bí mật Sài Gòn đã trở thành cột mốc lịch sử và là dấu son rạng ngời trong truyền thống giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam.
Có thể nói, sự ra đời của Công hội bí mật vào những năm 1920-1925 tại Sài Gòn, trung tâm công nghiệp của cả nước lúc bấy giờ, có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, thời kỳ giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu ý thức về sức mạnh của giai cấp mình.
Tuy phải hoạt động bí mật nhưng Công hội đã góp phần từng bước đưa giai cấp công nhân Việt Nam lên vũ đài chính trị và dần dần trở thành lực lượng chính trị độc lập, mở đầu cho một giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh có tổ chức, từ tự phát lên tự giác.
Những cống hiến của Tôn Đức Thắng đã góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo nền tảng, định hướng cho hoạt động Công đoàn Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa to lớn.
Trước hết, đó là tính tổ chức, tính nguyên tắc. Dù làm việc gì cũng phải tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể. Tôn Đức Thắng cho rằng sức mạnh là ở tổ chức; toàn Đảng chỉ có một ý chí, đó là sự đoàn kết, nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tổ chức của Đảng. Kỷ cương tổ chức phải tuân thủ chặt chẽ; điều đó không chỉ xuất phát từ tính nguyên tắc mà còn ở ý thức tự giác của con người.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo đồng chí Tôn Đức Thắng - một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. 
PGS-TS HOÀNG PHÚC LÂM  (Theo congdoan.vn)

Tin cùng chuyên mục