Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 02:55

Tin TLĐ

Lương tối thiểu vùng năm 2019: Công đoàn đề xuất mức tăng không dưới 8%

12/07/2018

Chiều 9.7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ nhất về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chiều 9.7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ nhất về phương án tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2019 dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG). Về phía Tổng LĐLĐVN, đại diện cho người lao động có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch HĐTLQG Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phó Chủ tịch HĐTLQG Hoàng Quang Phòng.
Nhiều cơ sở hợp lý cho mức tăng 8%
Theo báo cáo đề xuất mức LTTV năm 2019 của Tổng LĐLĐVN, Tổng LĐLĐVN đề xuất phương án tăng LTTV năm 2019 là 8,0% (tăng từ 220 - 330 nghìn đồng). Cụ thể, vùng 1 tăng từ 3.980.000 đồng lên 4.310.000 đồng (tăng 330.000 đồng); vùng II tăng từ 3.530.000 đồng lên mức 3.810.000 đồng (tăng 280.000 đồng); vùng III tăng từ 3.090.000 đồng lên 3.330.000 đồng (tăng 240.000 đồng); vùng IV tăng từ 2.760.000 đồng lên mức 2.980.000 đồng (tăng 220.000 đồng). Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, phương án này sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu.
Theo Tổng LĐLĐVN, những căn cứ để Tổng LĐLĐVN đưa ra 2 phương án trên là: Căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.
Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, xác định: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTTV phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 phát triển thuận lợi, mức tăng trưởng tốt, đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Cụ thể, GDP quý I/2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, được đánh giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; dự báo GDP cả năm đạt 6,7%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; dự báo năm 2018 tăng khoảng 4%. Năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng 5,9%, dự báo năm 2018 năng suất lao động xã hội tăng trên 5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 52.322 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 516.900 tỉ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 13.267 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 65.600.
Dựa trên những căn cứ trên, theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, mức tăng LTTV trong năm 2019 không dưới 8% thì mới đảm bảo được mục tiêu theo như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt ra là đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: “Đa phần những ý kiến của các hiệp hội DN đều cho rằng, chưa nên điều chỉnh mức LTTV trong năm 2019 để tạo điều kiện cho DN bồi dưỡng, nâng cao năng lực chi trả. Đồng thời, dùng các kinh phí (nếu có) để phục vụ cho việc đào tạo cũng như nâng cao năng lực, tay nghề cho NLĐ nhằm đáp ứng được yêu cầu của DN, từ đó có thể tăng được năng suất lao động”.
Người lao động bức xúc nhiều vấn đề
Mức tăng 8% theo như đề xuất còn căn cứ vào kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN về tiền lương, thu nhập, đời sống của NLĐ năm 2018. Theo khảo sát này, đa số NLĐ cho biết, thu nhập cơ bản hiện chỉ đủ trang trải, đời sống gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong các nội dung trao đổi, NLĐ bức xúc nhất là lương thấp, không có các khoản phụ cấp (25,7%), trong đó, tỉ lệ bức xúc cao nhất là ở vùng III (31%); tiếp đó là trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra (7%).
NLĐ còn bức xúc ở các nội dung khác, như: Làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không công khai, minh bạch; không điều chỉnh lương định kỳ. Bên cạnh đó, có 69,4% số NLĐ được hỏi tạm hài lòng với việc làm, tiền lương, thu nhập hiện tại; 17,4% không hài lòng và chỉ có 13,2% hài lòng.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch HĐTLQG Mai Đức Chính cho hay, sau nhiều lần tăng, tiền lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 92% mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
“Hiện nay, đối với NLĐ, quan trọng đối với họ là những mặt hàng như điện, gạo, nước… Ngay như nhà tôi, bà xã đi chợ giống như bị ăn cắp tiền. 100.000 đồng mà chẳng mua được mấy thứ. NLĐ còn phải chịu tiền điện, nước cao hơn mức bình thường. Rồi chưa kể nuôi con, gửi trẻ mẫu giáo, học hành, ốm đau, tang gia, cưới hỏi. Người công nhân phải chịu đủ thứ, cuộc sống khổ lắm” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch HĐTLQG Doãn Mậu Diệp, từ nay đến năm 2020, sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền LTTV đáp ứng mức sống tối thiểu. Những yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của DN... sẽ là căn cứ để đưa vào thương lượng tiền LTTV.
***


Mức lương tối thiểu vùng hiện chỉ áp dụng cho lao động học việc

Theo ông Nguyễn Hồng Cầu - Giám đốc Cty Điện Đa Phúc - theo thông lệ mỗi năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia lại họp và đưa ra mức lương tối thiếu đối với NLĐ. Cụ thể, năm 2018, mức lương tối thiểu của vùng 1 tăng 6,1% so với năm 2017. Việc tăng lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ là việc làm bình thường.

Nhưng theo tôi, hiện nay, việc tăng lương cơ bản đang là vô nghĩa vì hiện tại, với mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay thì NLĐ không đủ sống ở mức tối thiểu (3.980.000 đồng/người/tháng). DN muốn phát triển, muốn giữ chân những lao động thạo nghề thì phải trả lương cho họ ở mức đủ sống và cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

Cũng theo ông Cầu, hiện tại vùng 1, phần lớn các DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định, mức lương tối thiểu chỉ áp dụng cho lao động học việc. Cụ thể, tại Cty Điện Đa Phúc, mức lương bình quân đang trả cho NLĐ là 6.000.000 đồng/người/tháng, ngoài ra, khi tăng ca, thêm giờ vẫn phải trả NLĐ tiền tăng ca, tăng giờ, có như vậy mới giữ chân và để NLĐ yên tâm làm việc tại DN.

Còn theo Viện Trưởng Viện năng suất Việt Nam - Nguyễn Anh Tuấn, đối với bất kỳ 1 quốc gia nào, việc tăng lương đều là sự thách thức đối với các nhà quản lý, các DN, vì khi tăng lương, buộc phải tìm nguồn để chi trả.

"Tại Việt Nam, chúng ta chưa thể gọi là tăng lương được, mà chỉ nên gọi là điều chính mức lương để NLĐ sống được bằng lương, chứ không phải tăng thêm lương thông thường theo mức tăng trưởng của DN và xã hội. Hiện nay, NLĐ ở một số khu vực được trả mức lương “bèo bọt” không đủ sống. Các DN muốn NLĐ cống hiến hết mình cho sự phát triển thì phải đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường phát triển thì DN mới có nguồn để trả lương cho NLĐ, chứ không thể ngồi kêu và đẩy khó khăn về phía NLĐ". ĐẶNG TIẾN ghi

Theo congdoan.vn

Tin cùng chuyên mục