Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:14

Trao đổi kinh nghiệm

Thông tư 36/2018/TT-BTC về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC

20/06/2018

Ngày 30/3/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC “Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”.

Ngày 30/3/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC “Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 15/6/2018 và bãi bỏ Thông tư số 139/2010/TT-BTC đã ban hành ngày 21/9/2010.
* Đối tượng áp dụng của Thông tư 36/2018/TT-BTC, gồm:
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;
- Công chức, công chức thực hiện chế độ tập sự trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương đến cấp xã; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;
- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ, CNVC trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, làng, ấp, bản,...
- Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
* Nội dung chi đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong nước, theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Thông tư này bao gồm các khoản sau:
- Kinh phí đào tạo (gồm: Chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc);
- Chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung;
- Chi hỗ trợ chi phí đi lại của CBCCVC từ cơ quan đến nơi học tập;
- Hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ trong những ngày học tập tập trung;
- Chi hỗ trợ CBCCVC là nữ, là người dân tộc thiểu số theo các chính sách, chế độ quy định về bình đẳng giới và công tác dân tộc,...).
* Mức chi đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trong nước theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Thông tư này bao gồm:
- Kinh phí đào tạo CBCCVC ở trong nước được bố trí trong dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị quản lý CBCCVC và được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
+ Chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo: Theo hoá đơn của cơ sở đào tạo nơi CBCCVC được cử đi đào tạo hoặc theo hợp đồng cụ thể do cấp có thẩm quyền ký kết;
+ Chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc: Căn cứ khả năng ngân sách được giao, căn cứ vào chứng từ, hóa đơn hợp pháp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc cho đối tượng được cử đi đào tạo cho phù hợp.
- Chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung; chi hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho CBCCVC trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ). Căn cứ địa điểm tổ chức lớp học và khả năng ngân sách, các cơ quan, đơn vị cử CBCCVC đi học sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác của mình để hỗ trợ cho CBCCVC được cử đi đào tạo các khoản chi phí nêu trên đảm bảo nguyên tắc: Các khoản chi hỗ trợ này không vượt quá mức chi hiện hành của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
- Chi hỗ trợ các CBCCVC là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo theo các chính sách, chế độ quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc; kinh phí hỗ trợ CBCCVC là nữ, là người dân tộc thiểu số bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị quản lý CBCCVC.
Ngoài ra, Thông tư 36/2018/TT-BTC còn đưa ra mức chi thù lao đối với giảng viên, báo cáo viên và các khoản chi phí khác liên quan đến việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong nướcở nước ngoài./.
N.T.T

Tin cùng chuyên mục