Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 23:56

Tin hoạt động ngân hàng

NHNN tiếp tục tập trung điều tiết tiền tệ để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

14/06/2018

Ngày 11/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018 do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì.

Ngày 11/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018 do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì.
Đảm bảo thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối
Tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2018 và dự kiến các tháng cuối năm.
Theo đó, về diễn biến kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm, ông Phạm Thanh Hà cho hay: Kinh tế trong nước tích cực, liên tục xuất siêu, tăng trưởng Quí I/2018 đạt 7,38% - cao nhất trong 10 năm qua, nhiều chỉ số kinh tế tăng cao hơn cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 5/2018 tăng 1,61% so với cuối năm 2017 và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2017; lạm phát CPI bình quân 5 tháng 2018 là 3,01%. Lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định, bình quân 5 tháng đầu năm 2018, lạm phát cơ bản tăng 1,34% (cùng kỳ 2017: 1,56%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định.
Về điều hành CSTT và kết quả những tháng đầu năm 2018: Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, dự báo trong nước và quốc tế, đầu năm 2018 Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%; tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trên cơ sở định hướng đề ra, từ đầu năm 2018 đến nay, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và đã đạt được các kết quả tích cực như sau:
Điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT phù hợp với diễn biến tiền tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Theo đó, NHNN mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước và trung hòa tiền trên thị trường mở; tái cấp vốn hỗ trợ TCTD khó khăn thanh khoản và hỗ trợ nguồn vốn cho TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu; giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN. Đến ngày 31/5/2018, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 7,03% so với cuối năm 2017, phù hợp mục tiêu định hướng 16% cả năm 2018.
Thanh khoản hệ thống TCTD được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp. Thanh khoản dồi dào đã góp phần giảm lãi suất TPCP, qua đó giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước, cụ thể: lãi suất giảm ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,66-1,52%/năm so với cuối năm 2017.
Mặt bằng lãi suất ổn định, một số TCTD giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên: Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD rà soát các biện pháp để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng; đồng thời, trên cơ sở đánh giá các nền tảng kinh tế vĩ mô, NHNN đã giảm lãi suất niêm yết chào mua thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất về cơ bản tiếp tục duy trì ổn định, một số TCTD đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên (về mức tối đa 6%/năm).
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu định hướng năm 2018 là 17% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN điều hành các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Dư nợ tín dụng tăng ngay từ đầu năm; đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực.
Điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ TCTD theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, trên cơ sở phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác. Nhờ đó, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung DTNHNN đồng thời kết hợp hài hòa với việc trung hòa lượng tiền đưa ra trên thị trường mở, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung DTNHNN. Đến ngày 11/6/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.567 VND/USD, tăng 0,63% so với cuối năm 2017; tỷ giá niêm yết mua-bán của Vietcombank tăng 0,44% so với cuối năm 2017; tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,47% so với cuối năm 2017.
Về định hướng giải pháp điều hành trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho biết: Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và nhận định, dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế trong những tháng tiếp theo của năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Trong đó chú trọng: Điều hành chủ động, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát; Tiếp tục thực hiện tái cấp vốn cho TCTD với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; Điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; tăng quy mô DTNHNN khi có điều kiện thuận lợi.
Tín dụng tăng trưởng tốt, đúng trọng tâm
Về kết quả hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm 2018, đại diện Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, ông Nguyễn Văn Tần, Phó Vụ trưởng thông báo, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%, NHNN đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 17% có điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế; điều hành tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo đảm an toàn chất lượng tín dụng, kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cụ thể: Chỉ đạo các TCTD xây dựng và thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2018 phù hợp với chỉ tiêu tín dụng phân bổ; ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực sản xuấ và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu dịch vụ, logistics, du lịch; Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ...; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BT, BOT giao thông, tín dụng đối với khách hàng/nhóm khách hàng có dư nợ lớn, tín dụng tiêu dùng của các Công ty tài chính...Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2018, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng như trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg về tiêu chí, điều kiện, quy trình chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn của TCTD đối với khách hàng, ban hành Thông tư 12/2018/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản...
Nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tín dụng nêu trên, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm và tăng đều qua các tháng, đến ngày 31/5/2018, đạt trên 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối năm 2017, đã góp phần đạt chỉ tiêu GDP quý 1 tăng 7,38%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Thực tế cho thấy:
Thứ nhất, tín dụng trong những tháng đầu năm 2018 đã tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh, là động lực của tăng trưởng kinh tế, cụ thể đến cuối tháng 5/2018: dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm thủy sản ước tăng 6,8%, dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,83%, dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ ước tăng 5,7%.
Thứ hai, tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, với các mức tăng trưởng cao so với cuối năm 2017, như: tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 5,8%; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 15,64%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 6,29%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 5,42%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,61%.
Thứ ba, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các TCTD tích cực triển khai: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ; Dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt  trên 10.650 tỷ đồng; Dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; (iv) Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại NHCSXH đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, NHNN chi nhánh các tỉnh/thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Qua chương trình, các ngân hàng đã giải ngân hơn 210.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 1.900 doanh nghiệp và gần 600 khách hàng khác, giúp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn ổn định sản xuất.
Thứ tư, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.
Như vậy, nguồn tín dụng đã đi đúng định hướng của NHNN, tín dụng tập trung nhiều vào ngành sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ần rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tần đã nêu định hướng, giải pháp trong điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2018.NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng như: Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 55 sau khi Chính phủ ký ban hành, Thông tư hướng dẫn Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng…
Đảm bảo công tác cung cấp thông tin hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng
Chánh văn phòng NHNN, ông Nguyễn Văn Du khẳng định, trong thời gian qua, NHNN rất chú trọng đến công tác cung cấp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng tới các cơ quan báo chí, Chính phủ, Quốc hội và các ban ngành...NHNN thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan báo chí, các chuyên gia kinh tế, các cán bộ ngân hàng... Qua đó, NHNN nhận được các ý kiến đóng góp và có các điều chỉnh chính sách, cải tiến các dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, phát triển đất nước. Ông Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục làm tốt công tác thông tin báo chí này.
Theo sbv.gov.vn

Tin cùng chuyên mục