Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 03:12

Tin hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tham gia đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

06/12/2017

Ngày 4/12/2017 tại Tp Hồ Chí Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận xử lí phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị do đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì.

Ngày 4/12/2017 tại Tp Hồ Chí Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận xử lí phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị do đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì.

Cùng tham gia giải đáp, phản hồi các thắc mắc của giới doanh nghiệp còn có đại diện của các Bộ, Ban, ngành như: Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư Pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng nhà nước Việt Nam; các đại biểu đến từ các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và TPHCM. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đại diện lãnh đạo ngành Ngân hàng đã tham gia và trực tiếp đối thoại, giải đáp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi đối thoại

Ngay trước thềm của Hội nghị, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện một khảo sát quan trọng với hai nội dung lớn về những rào cản chủ yếu với DN và đánh giá của DN nói chung về việc tháo gỡ các rào cản ấy từ phía Chính phủ.

Khoảng 100 DN đã hồi đáp khảo sát với những thông tin khá tập trung. Theo đó 73% DN cho rằng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính quá rườm rà; 64% DN cho hay thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền cũng là điểm vướng mắc lớn. Tiếp đó là sự chồng chéo giữa những cơ quan thực thi của các bộ ngành. Trong đó vướng mắc cụ thể nhất và được nhiều DN đề cập nhất là thủ tục xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính, khảo sát này cho thấy DN đánh giá tích cực về trọng tâm cải cách của Chính phủ, đặc biệt là về Hội nhập quốc tế nhưng “vẫn phải nhìn nhận thực trạng là vẫn còn vấn đề chồng chéo giữa các cơ quan, vấn đề khó khăn khi tiếp cận các cơ quan công quyền…”

Một số ý kiến cụ thể tại hội nghị có nêu bật các kiến nghị liên quan đến các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN. Trong đó, nội dung chính tập trung vào các chủ điểm: Nông nghiệp, du lịch, kinh tế số, khởi nghiệp và sáng tạo, tài chính và vốn, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói của nhóm doanh nghiệp trẻ, DN khu vực phía nam.

Về kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo, Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, bên cạnh các khó khăn về vốn các DN khởi nghiệp cũng đang gặp các rào cản vô hình liên quan đến giấp phép và thủ tục hành chính, việc tiếp cận thông tin về các chương trình hỗ trợ và sự minh bạch thông tin còn hạn chế.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng có ý kiến nên có các giải pháp tập trung hỗ trợ về vốn cho các DN trẻ khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ để các DN có điều kiện tiếp cận thị trường và tiếp cận các DN lớn. Cần có sự quan tâm đúng mức đến ngành công ngiệp 4.0 để có các định hướng và giải pháp cụ thể mang lại hiệu quả. Hiện nay chi phí logistis của Việt Nam đang ở mức rất cao, từ 20-25%, trong khi Singapore 8%, Trung Quốc 13%. Đề nghị cắt giảm chi phí logistis. Thành lập Ban chỉ đạo về logistis với lộ trình cụ thể về cắt giảm chi phí logistis…

Ông Đỗ Văn Huệ, Hội Nông nghiệp Công nghệ cao thì cho rằng, rào cản chính sách, tính minh bạch về thị trường, chưa có tiêu chuẩn đánh giá tiêu chuẩn của sản phẩm, hành lang pháp lý chưa đủ rộng là những khó khăn chính để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Sau khi lắng nghe hầu hết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các bộ ngành đã giải đáp tại chỗ các vấn đề một cách thẳng thắn, rõ ràng.

Đại diện lãnh đạo ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã thông tin tại Hội nghị, chỉ xét riêng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa NH và DN. Qua đó, cam kết cho vay mới gần 570.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy các NHTM đã đồng hành, sát cánh cùng DN, để chia sẻ và hợp tác.

Riêng về phần lãi suất, Phó Thống đốc cho rằng, đến thời điểm hiện nay hầu hết các DN tham gia chương trình kết nối đều được các NHTM cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm (ngắn hạn) và 8-10%/năm (trung, dài hạn). Các NHTM cũng đã thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ của khách hàng. Vì thế, có thể nói là các NH đã rất chủ động và tích cực trong việc tiếp cận chia sẽ khó khăn đối với cộng đồng DN” – Phó Thống đốc nói.

Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2017, hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã thực hiện rất tốt chương trình cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính. Nhiều NHTM đã giảm ½ thời gian đối với các giao dịch vay vốn, bảo lãnh vay vốn, cắt giảm hàng loạt các thủ tục không cần thiết để đẩy vốn ra thị trường.

Sau khi nghe Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã cảm thán: “Mười tháng tổ chức hơn 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa NH và DN, cam kết cho vay gần 570.000 tỷ đồng. Hội nghị chúng ta xin dành một tràng vỗ tay lớn cho Phó Thống đốc và ngành Ngân hàng”.

Thực tế, từ tháng 8/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành phải cắt giảm hàng loạt thủ tục theo hướng tránh sự chồng chéo, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro… “Còn từ ngày 1/1/2018 tới đây, tất cả các bộ ngành đều sẽ có giải pháp cắt giảm các thủ tục này hết, các DN xuất nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Người chủ trì Hội nghị đối thoại với DN cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của DN với các bộ, ngành, địa phương, mục tiêu là làm sao giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN, giảm chi phí logistics cho toàn bộ nền kinh tế.

“Đề nghị các bộ, ngành có trách nhiệm trả lời, làm rõ các vấn đề DN quan tâm đề xuất, nói rõ đang vướng mắc gì, đang gặp khó khăn gì. Tất cả các kiến nghị sẽ được tập hợp báo cáo Thủ tướng. Những nội dung trong thẩm quyền Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ được giải quyết ngay, những gì chưa giải quyết được phải được trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất. Tất cả ý kiến của DN đều được lắng nghe và trả lời, không loại trừ bất cứ ý kiến nào!”

Được biết, sau Hội nghị đối thoại lần này, Chính phủ sẽ tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề khác với các Hiệp hội DN nước ngoài. Các Hội nghị đối thoại DN là một trong những nội dung nhằm góp phần cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN.

Tinh thần này đã thể hiện qua nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế xã hội đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam tiếp tục thăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với 2016 (năm 2016 tăng 9 bậc).

 

Hà An (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục