Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 02:52

Tin hoạt động ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả

17/11/2017

Chiều 16/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Chiều 16/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) về các giải pháp khắc phục những khó khăn phát sinh trong việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng cho hệ thống các TCTD trong việc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Bởi vậy các TCTD rất phấn khởi khi Nghị quyết 42 được ban hành. Cũng chính bởi vậy, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, NHNN đã có những giải pháp triển khai rất cụ thể.

“Trên thực tế mới triển khai nhưng chúng tôi đã rà soát và chỉ đạo rất quyết liệt, bám sát các TCTD trên cơ sở đó NHNN đã báo cáo những tồn tại vướng mắc mà đại biểu nêu nhất là tài sản kê biên”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Theo đó, mặc dù không phải là số lượng lớn, nhưng có một số vụ việc nợ xấu liên quan đến vụ án mà cơ quan chức năng đang điều tra xử lý và kê biên tài sản. Với các trường hợp này, NHNN đã chỉ đạo TCTD cũng như VAMC phải tiếp tục báo cáo, làm việc với cơ quan chức năng trên cơ sở từng vụ việc cụ thể. Nếu cơ quan chức năng có kết luận hoặc đã có đồng ý thì có thể tiến hành xử lý.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, căn cứ vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2017 của Quốc hội, NHNN đã xây dựng kịch bản điều hành là tín dụng tăng trưởng ở mức khoảng 18% và có điều chỉnh một cách linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho đến cuối tháng 10 là 13,66%, có cao hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016.

“Tốc độ này cũng không có gì đột biến và hiện nay quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đối với tín dụng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng; quan trọng nữa là tín dụng phải đưa vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Cho biết trong báo cáo chi tiết của NHNN gửi đại biểu Quốc hội đã báo cáo rõ cơ cấu tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, nhìn vào cơ cấu tín dụng trong 10 tháng 2017 có thể thấy rõ tín dụng đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, xuất khẩu, DNNVV... đã giữ được mức tăng trưởng ở mức cao so với các năm trước và cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân. Đây là những lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Với định hướng điều hành của Chính phủ cũng như NHNN, Thống đốc cho biết, tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và không gây những áp lực để bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt gây áp lực lên lạm phát. “Quan trọng nhất là chúng tôi vẫn giám sát chất lượng và hiệu quả tín dụng, đưa tín dụng vào đúng các lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc khẳng định.

Liên quan tới vấn đề cho vay nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch (NNS), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, quá trình triển khai chính sách tín dụng cho NNCNC và NNS mới triển khai khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, đến nay dư nợ đã đạt khoảng 36 nghìn tỷ trong gói 100 nghìn tỷ đồng, với khối lượng DN tiếp cận được nguồn vốn này hiện nay trong tổng dư nợ có trên 6400 khách hàng đã được tiếp cận. Trong khoảng 6400 khách hàng với khoảng hơn 6000 là khách hàng cá nhân còn lại là khách hàng DN... Đáng chú ý, trong số này vốn kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%.

“Chúng tôi cho rằng quá trình triển khai mới được ngắn như vậy mà tốc độ tăng trưởng và quy mô tín dụng như vậy là khá cao. Đặc biệt đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư trung và dài hạn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân có một số DN khó tiếp cận vốn, Thống đốc cho biết, mặc dù Bộ NN&PTNT đã rất quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu và ứng dụng sản xuất NNCNC, NNS; nhưng so với nhu cầu thì số khu vực vùng CNC và các DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư NNCNC cũng còn hạn chế. Điều này cũng là một yếu tố khiến các ngân hàng thận trọng khi cho vay.

Bên cạnh đó, là sự bất cập của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố quyết định cho việc các ngân hàng xem xét cho vay DN đầu tư vào lĩnh vực NNCNC và NNS.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực NNCNC để cùng các địa phương tạo lập khu vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và NNS cũng như xem xét cấp giấy chứng nhận cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này để tạo điều kiện cho các ngân hàng xem xét cho vay vốn”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Đức Nghiêm (theo thoibaonganhang)

 

 

Tin cùng chuyên mục