Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 02:52

Tin hoạt động ngân hàng

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng

12/10/2017

Ngày 12/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Ngày 12/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.


Điều hành Hội nghị do Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công An, Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh.

Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan TW, đại diện một số Bộ, ngành có liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Công an và các đại biểu là cán bộ chủ chốt của các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), Giám đốc Chi nhánh cấp 1 của các ngân hàng thương mại (NHTM)... Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu. Qua đó, hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực và hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được nâng cao. Từ đó, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính, kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã phát huy vai trò tích cực tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, hoạt động thanh tra giám sát và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan lĩnh vực ngân hàng, NHNN và một số cơ quan chức năng đã tổng kết, chỉ ra một số vi phạm đã làm ảnh hưởng đến niềm tin công chúng. Những vi phạm đã diễn ra thời gian qua tập trung vào một số nội dung như: vi phạm quy định về cấp tín dụng, cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng; vi phạm về huy động vốn và gửi tiền; vi phạm về quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vi phạm quy định về tỷ lệ, giới hạn an toàn; vi phạm quy định về hạch toán kế toán, quản lý tài chính...

Những năm gần đây, ngành Ngân hàng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên tất cả các mặt hoạt động ngân hàng. Mới đây nhất, ngày 31/5/2017, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong các lĩnh vực thanh toán, công nghệ, quản lý tiền mặt và an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng. Điều đó cho thấy sự quan tâm, coi trọng thường xuyên của NHNN đối với công tác phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Để thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13/9/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT-TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Hội nghị này sẽ đánh giá những hoạt động ngân hàng có khả năng xảy ra rủi ro, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khắc phục, phòng ngừa nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cùng với đó kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm để tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công An đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của ngành Ngân hàng trong công tác phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Thượng tướng Bùi Văn Nam đã trao đổi, cung cấp thông tin cảnh báo và đề xuất nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ với NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cả nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích tình hình vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và kết quả điều tra các vụ án kinh tế, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; tình hình thực hiện các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian qua; các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị được NHNN tổ chức ngày hôm nay. Thống đốc NHNN chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của TCTD; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các TCTD; Kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý rủi ro, vi phạm; Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh việc nâng cao năng lực và bộ máy quản trị, điều hành và phát triển các hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ thông tin; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng và tại từng TCTD; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật. Tích cực chủ động và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật của các tập thể và cá nhân.

Các đơn vị trong ngành Ngân hàng đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong ngành Ngân hàng và đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, nhân viên Ngân hàng; Xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tội phạm như gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động ngân hàng.

Đối với các TCTD, người lãnh đạo đứng đầu tổ chức phải quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại đơn vị; Chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống kiểm tra, rà soát toàn bộ các hoạt động nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định của pháp luật liên quan; Rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định/quy trình, chính sách nội bộ nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ, quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng; Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Cùng với đó, các TCTD phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu vốn; ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các TCTD; Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên thông tin cho cán bộ, nhân viên về những phương thức, thủ đoạn, vi phạm mới; Thực hiện truyền thông, phổ biến giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là các quy trình thủ tục cho khách hàng; bảo mật thông tin cá nhân, doanh nghiệp; Thực hiện các giao dịch tại TCTD đúng quy định của NHNN nhằm phòng tránh, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện; Các TCTD phải kịp thời báo cáo NHNN những vi phạm và việc xử lý; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị trong quá trình hoạt động để được xem xét, xử lý.

Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt và triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các văn bản chỉ đạo điều hành khác của NHNN về vấn đề này. Thống đốc NHNN hy vọng, sau Hội nghị này, với quyết tâm chính trị của toàn hệ thống, công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn, qua đó đảm bảo an ninh, an toàn và sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

 

CKH - Ảnh: ĐK (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục