Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 06:44

Tin hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

09/05/2017

“Ngay từ khi câu chuyện các doanh nghiệp và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn gặp khó khăn khi giá giảm, không bảo đảm được thời hạn trả nợ, NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Các TCTD đã chủ động thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đạt 364,7 tỷ đồng, trong đó các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ chủ yếu cho các hộ dân đạt 336,65 tỷ đồng”,

“Ngay từ khi câu chuyện các doanh nghiệp và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn gặp khó khăn khi giá giảm, không bảo đảm được thời hạn trả nợ, NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Các TCTD đã chủ động thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đạt 364,7 tỷ đồng, trong đó các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ chủ yếu cho các hộ dân đạt 336,65 tỷ đồng”, đó là phát biểu của Phó Thống đốc Đào Minh Tú chiều 4/5/2017 trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Cùng dự phiên họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú;…

Kinh tế chuyển biến tích cực

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Với tinh thần ưu tiên cho xây dựng thể chế, Chính phủ dành buổi sáng để tập trung thảo luận về một số vấn đề thể chế, chính sách. Trong buổi chiều, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm và các giải pháp cho thời gian tới.

Về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm và giải pháp, nhiệm vụ trong những tháng còn lại trong năm, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không tăng mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước hai tại 14 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn 4,2% của quý I. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,86%( cùng kỳ năm 2016 tăng 2,99%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản).Thành lập mới doanh nghiệp đạt mức cao với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo…

Qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng, các thành viên Chính phủ cho rằng nhiệm vụ của những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%. Như chúng ta biết quý I tăng trưởng mới đạt 5,1%; trong 3 quý còn lại phải đạt được tăng trưởng trung bình khoảng 7,1%, phấn đấu quý II đạt 6,26%, quý III 7,29% và quý IV 7,49%.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Bởi thực hiện được các mục tiêu này thì mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%. Phiên họp hôm nay khẳng định rõ, đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện với nỗ lực cao nhất.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra; có các giải pháp, chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng; tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao...) gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; trong đó chú trọng đẩy mạnh cho vay gói 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cung cấp thêm thông tin liên quan tới một vấn đề đang được dư luận quan tâm và cũng được Chính phủ thảo luận tại phiên họp. Đó là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; giá thịt lợn nói riêng và giá cả, thị trường các mặt hàng nông sản nói chung.

Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trong khi giá lợn hơi rất thấp (có lúc chỉ 15.000-18.000 đồng/kg) thì giá thịt lợn tại các thành phố lớn vẫn khá cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Trong đó, khâu giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, thị trường, siêu thị thế nào mà để người chăn nuôi thiệt hại quá lớn. Rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. “Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Các bộ chức năng cần đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu”, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi lợn trong thời gian vừa qua là một vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Thời điểm hiện nay giá lợn đã bắt đầu nhích lên, việc giải cứu đã có được các biện pháp hết sức tích cực.

Phó Thống đốc cho biết, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng (cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%), với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết. “Như vậy, có thể nói vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ”, Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc cho biết thêm, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y như cơ cấu lại thời hạn trả nợ (NHTM được giữ nguyên nhóm nợ 01 lần đối với một khoản nợ), miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, cho vay mới,.. “Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những doanh nghiệp, bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo SBV

Tin cùng chuyên mục