Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:12

Gương tiêu biểu

Hơn 3,5 triệu phụ nữ nghèo được vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội

07/03/2017

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp trên 3,5 triệu phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp trên 3,5 triệu phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.


Đồng vốn chính sách - “đòn bẩy” cho phụ nữ nghèo

Việc NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp đỡ họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Cùng với mô hình Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), phương thức cho vay ủy thác đã gắn kết 04 nhà (Ngân hàng; chính quyền; tổ chức chính trị - xã hội và Tổ TK&VV) chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có thêm điều kiện củng cố tổ chức của mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội, đoàn thể tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; năng lực của cán bộ Hội, đoàn thể được nâng cao; Hội, đoàn thể tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và ổn định xã hội. Trong đó, Hội Phụ nữ các cấp đóng vai trò quan trọng, luôn quan tâm, chú trọng đa dạng hóa nguồn lực, tạo sinh kế giúp Hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chị Phàn Thị Thủy, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc - người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước không những thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững và là một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Bố mất sớm, mẹ thì già yếu, gia cảnh lại khó khăn vì thế tuổi thơ ấu của chị Thủy luôn là những bữa cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Đến khi 18 tuổi chị “bắt” được chồng về ở rể, đôi vợ chồng trẻ luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để thoát khỏi cảnh nghèo khó đã đeo bám mình từ tấm bé.

Năm 2004, khi tham gia và trở thành khuyến nông viên của xóm, bản thân được hướng dẫn nhiều kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, với chị cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn đã dần ẩn hiện. Có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nhưng chị lại gặp bế tắc trên con đường thoát nghèo do không có vốn.

Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được tìm ra khi năm 2005, gia đình chị lần đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Khỏi phải nói, chị đã mừng đến mức nào khi có vốn trong tay, vợ chồng chị đồng thuận dùng số tiền vay được để mua ngựa giống và cỏ giống.

Là người tiên phong ở thôn trong việc trồng cỏ giống và đầu tư vào mô hình nuôi ngựa bạch hiệu quả, giờ đây nhìn những trảng cỏ xanh ngút mắt, phủ xanh đồi núi đá, chỉ tay về phía đồng cỏ xanh trước nhà và đàn ngựa bạch, mắt chị ánh lên niềm vui. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình chị đã có đa dạng giống cây trồng và vật nuôi với hơn chục con trâu, bò, ngựa bạch, lợn đen mỗi loại và cả những ruộng ngô, mía, chè và tạo công ăn việc làm cho… Ngoài ra, gia đình chị còn tích cực tham gia vào dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được triển khai theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ 94ha cây sa mộc, gia đình chị Thủy trồng ban đầu, giờ gia đình đã có  hơn 100ha.

Trước ý chí thoát nghèo và tấm gương giàu nghị lực về phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng, năm 2008, chị Thủy được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thủy quản lý có 38 tổ viên với dư nợ trên 1 tỷ đồng, số dư tiết kiệm đạt gần 20 triệu đồng. Vốn vay, chủ yếu được tổ viên sử dụng vào phát triển chăn nuôi bò, ngựa, trồng cỏ cho gia súc.

Ông Phùng Minh Thóc, Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc, cho biết: Hoạt động cho vay ủy thác qua Hội LHPN trên địa bàn luôn được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là, Hội phụ nữ xã đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ vay vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Ngoài nguồn vốn vay từ NHCSXH, Hội đã đẩy mạnh khai thác nguồn nội lực, phát động chị em chung tay tiết kiệm, để tạo thêm nguồn vốn cho chị em nghèo vay để tăng gia sản xuất, trồng trọt. Hoạt động tiết kiệm vừa tạo được sự đa dạng nguồn vốn vay, vừa giúp chị em nâng cao được nhận thức về việc sử dụng đồng vốn, tiết kiệm chi tiêu và đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả nhất để từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

“5 nhất” trong ủy thác vay vốn qua Hội LHPNVN

Là tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất từ NHCSXH với 61.406 tỷ đồng, chiếm 39,54%, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên Phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của Hội cũng được chỉ đạo đẩy mạnh, trong đó chú trọng các vấn đề về đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao ý thức trách nhiệm. Nhờ đó, các cấp hội đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, sáng tạo, đổi mới trong cách làm; chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn. Các địa phương đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ phụ nữ trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hàng chục nghìn cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội quản lý. Nhờ đó, việc thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp Hội đạt hiệu quả cao. Hoạt động ủy thác của Hội LH Phụ nữ trong những năm qua luôn đáp ứng “5 nhất”: quản lý dư nợ lớn nhất (61.406 tỷ đồng); tăng trưởng hàng năm nhiều nhất; quản lý nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn nhất (72.090 tổ); quản lý số hộ vay vốn lớn nhất (hơn 2,6 triệu hộ), chất lượng tín dụng tốt nhất, nợ quá hạn chiếm 0,27%, thấp nhất trong các đoàn thể.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, một trong những định hướng của Hội trong thời gian tới là đẩy mạnh việc lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của cán bộ Hội cơ sở, Tổ TK&VV; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay...; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho cán bộ các cấp và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Đẩy mạnh công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp. Duy trì hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Ngân hàng CSXH

Tin cùng chuyên mục