Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 05:06

Tuyên truyền - Giáo dục

Kết quả 05 năm (giai đoạn 2011-2015) thực hiện tín dụng chính sách vùng Tây Bắc

20/09/2016

Thông qua 2.528 Điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã; thực hiện cơ chế công khai, dân chủ, có sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc.

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu, đặc biệt có tiềm năng lớn để phát triển thuỷ điện...

Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; địa hình phức tạp, núi non hiểm trở chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp; trình độ canh tác còn lạc hậu, sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp; nhiều nguồn lực và lợi thế của vùng chưa được khai thác và phát huy; nhiều huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (có 45/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ); tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt tại các huyện 30a và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ tái nghèo lớn…

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Cùng với các Bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Bắc của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.

Thông qua 2.528 Điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã; thực hiện cơ chế công khai, dân chủ, có sự kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc. Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, trong đó, có trên 1,5 triệu hộ là đồng bào dân tộc với doanh số cho vay đạt 44.917 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng với trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%; Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, vốn tín dụng chính sách đầu tư tại khu vực Tây Bắc đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng Tây Bắc từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).

Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền biên cương Tổ quốc; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng – Nhà nước.

Các hoạt động an sinh xã hội được NHCSXH chú trọng, quan tâm. Các cấp Công đoàn đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa của vùng Tây Bắc với tổng số tiền là 9,4 tỷ đồng, đã xây dựng được 20 căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo và gia đình chính sách; hỗ trợ cho 07 trường học hoàn hiện các hạng mục công trình và máy tính, bàn ghế phục vụ cho các cháu học sinh; xây dựng mới 01 trường cho các cháu học sinh tại xã Tả Van, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; xây dựng 02 lớp học cho các cháu học sinh tại xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình và cho các cháu khuyết tật, trẻ em mồ côi tại tỉnh Lai Châu; tặng quà cho 1.488 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; tặng chăn ấm cho hộ nghèo và tặng quà cho các chiến sỹ đang bảo vệ tổ quốc nhân dịp tết Nguyên Đán… và thực hiện các chương trình an sinh xã hội khác.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp 3 lần cả nước); nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay./.

NHCSXH

 

 

Tin cùng chuyên mục