Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 10:08

Hỏi - Đáp

V/v đóng kinh phí công đoàn

06/09/2016

Câu hỏi: Trách nhiệm của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương,… và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về đóng kinh phí công đoàn?

Câu hỏi: Trách nhiệm của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương,…  và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về đóng kinh phí công đoàn?

Trả lời:

Theo Điều 9 “Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn” được ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thu kinh phí công đoàn của đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động.

2. Ban hành Quy định phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính của công đòan cấp mình và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Quy định về nguyên tắc xây dựng dự toán, định mức chi, chỉ tiêu thu, nộp, cấp hỗ trợ làm cơ sở giao dự toán hàng năm cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

3. Ban hành quy định về chế độ, định mức chi cho hoạt động công đoàn và hoạt động bảo vệ, chăm lo cho người lao động, quản lý, thanh quyết toán thu, chi nguồn kinh phí công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở.

4. Phối hợp với các cơ quan Tài chính, Thuế, Thanh tra cùng cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Kiến nghị xử phạt hành chính hoặc khởi kiện đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012(*) và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn(**). Kiểm tra thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn đối với các đơn vị cấp dưới.

Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, pháp luật hiện hành quy định như sau:

(*) Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

(**) Điều 4 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở…

Và tại Điều 7 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định nguồn đóng kinh phí công đoàn: 1. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng kinh phí công đoàn và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. 2. Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng kinh phí công đoàn tính theo quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần kinh phí công đoàn phải đóng còn lại, đơn vị tự bảo đảm theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này. 3. Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ. 4. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.  

Mặt khác, theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ (tại Khoản 1, Điều 12) còn quy định rõ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm:

a. Đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, đúng thời hạn cho tổ chức công đoàn theo đúng quy định tại Nghị định này và quy định của Tổng Liên đoàn LĐVN về phân cấp thu, phân phối nguồn thu kinh phí công đoàn;

b. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn khi có yêu cầu của tổ chức công đoàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.

 Nguyễn Thị Thái - PCN UBKT