Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 14:19

Tin TLĐ

Thủ tướng Chính phủ làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN

11/07/2016

Sáng 09/07/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2015, trọng tâm phối hợp công tác năm 2016.

Sáng 09/07/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2015, trọng tâm phối hợp công tác năm 2016.


Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh; Vương Đình Huệ; Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các Bộ, ngành…

Về phía Tổng LĐLĐVN dự buổi làm việc có: Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch: Mai Đức Chính, Trần Văn Lý, Nguyễn Thị Thu Hồng và các ủy viên ĐCT Tổng LĐLĐVN.

Báo cáo trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đánh giá, trong năm 2015, sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng với chất lượng, hiệu quả cao.

Phong trào thi đua do các cấp CĐ tổ chức đã tập trung hướng về cơ sở, động viên đoàn viên, NLĐ khắc phục khó khăn, đồng hành cùng DN, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở; những mô hình tốt, cách làm hiệu quả ở các ngành, địa phương tiếp tục được phát huy, nhân rộng. Thông qua phong trào thi đua đã có trên 265.398 sáng kiến được công nhận với giá trị làm lợi trên 5.500 tỷ đồng; có trên 19 ngàn công trình, sản phẩm được công nhận với giá trị trên 8.400 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, hoạt động tham gia xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến NLĐ được Tổng LĐ và các cấp CĐ tích cực thực hiện. Tổng LĐ đã có 92 văn bản tham gia góp ý kiến vào 5 dự thảo Luật, 24 Nghị định, 22 Thông tư. Nhiều ý kiến tham gia của CĐ đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, như chính sách đối với lao động nữ; chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ; Quyền, trách nhiệm của tổ chức CĐ trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tố tụng lao động; một số quy định Luật BHXH.

Đặc biệt, trước tình hình hàng trăm ngàn CNLĐ thuộc 47 DN tại 4 địa phương đã ngừng việc để thể hiện quan điểm không đồng tình với Điều 60 của Luật BHXH năm 2014. Tổng LĐ và Chính phủ đã sớm trao đổi, thống nhất quan điểm, trên cơ sở đó kịp thời tuyên truyền, giải thích để NLĐ yên tâm, ổn định sản xuất, không để ngừng việc kéo dài, lan rộng. Tại kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIII), trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐ, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét và đã ban hành Nghị quyết cho phép NLĐ được quyền lựa chọn tiếp tục thực hiện chính sách BHXH một lần hoặc bảo lưu để hưởng chế độ hưu trí.

 

Công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cùng với các cấp, các ngành thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Các cấp công đoàn đã chủ động tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị; chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc góp phần phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thông qua việc đối thoại nhiều khó khăn bức xúc của công nhân lao động được giải quyết kịp thời.

Năm 2015, có 98,2% các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2014; có 98,2% doanh nghiệp nhà nước và 48,5% doanh nghiệp tư nhân và 45,1% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014; đến nay, đã có 13.798 doanh nghiệp thực hiện đối thoại tại nơi làm việc với người lao động, số lượng và chất lượng được nâng lên so với năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP.

Tổng LĐ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp và quyết định hàng năm tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN tại một số tỉnh, thành phố và chỉ đạo các tỉnh, thành khác chủ động triển khai thực hiện. Thông qua giám sát, đã có tác động tích cực đến cộng đồng DN, cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong việc thực hiện pháp luật BHXH, pháp luật lao động, Luật CĐ, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Tổng LĐ đã ký kết Chương trình phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao, tích cực triển khai Chương trình phối hợp với BHXH Việt Nam để tổ chức tập huấn về kỹ năng, quy trình khởi kiện DN vi phạm pháp luật về lao động, CĐ, BHXH, an toàn vệ sinh lao động… Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của CĐ đạt nhiều kết quả, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng kỹ năng tư vấn, tranh tụng, đã tham gia tư vấn giải quyết gần 28 ngàn vụ tranh chấp lao động cá nhân; đại diện, bảo vệ NLĐ tại tòa án 135 vụ việc, giúp 297 NLĐ được nhận trở lại làm việc, 315 người được trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm, 2.525 người được đóng BHXH, 62 người được hủy quyết định kỷ luật, bồi thường trách nhiệm vật chất.

CĐ còn tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nâng cao ý thức công dân cho giai cấp công nhân và NLĐ; Phối hợp trong việc tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến NLĐ Tổng LĐ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 3 lớp tập huấn về biển đảo cho gần 1.000 cán bộ CĐ cả nước. Đoàn công tác gồm 100 cán bộ CĐ chủ chốt các tỉnh, ngành đã đi thăm, làm việc và tặng quà tới cán bộ, chiến sĩ, quân và dân tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa; tích cực ủng hộ, xây dựng “Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma” tại tỉnh Khánh Hòa, “Khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa” tại tỉnh Quảng Ngãi và một số công trình liên quan.

Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” 1 tiếp tục có những kết quả, có trên 1,7 triệu đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn chính trị, pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp có trên 1,7 triệu đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn chính trị, pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã trình bày những kiến nghị của NLĐ và các cấp CĐ trong cả nước với Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐTBXH xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Lao động năm 2012 về hình thức Thỏa ước lao động tập thể khác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm DN;  Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu làm cơ sở để thực hiện thống nhất và bảo vệ quyền lợi của NLĐ;  Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP về Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Vì trong thực tế triển khai thực hiện đã có nhiều vướng mắc, bất cập, khó thực hiện. Trên cơ sở đó cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để Nghị định vào cuộc sống tốt hơn. 

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của NLĐ theo quy định tại điều 91- Bộ Luật lao động; đề nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo, Tòa án Tối cao phối hợp với Tổng LĐLĐVN, hướng dẫn về thủ tục CĐ khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể tại tòa án;  Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo BHXH Việt Nam có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin để CĐ thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ; Hiện nay, số DN nợ đọng, trốn đóng tiền BHXH, bảo hiểm y tế vẫn rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Việc này có trách nhiệm của BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tham mưu có biện pháp giải quyết các trường hợp NLĐ đã đóng BHXH đầy đủ nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng không đóng cho BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Tổng LĐ cũng đề nghị Chính phủ có quy định ưu tiên cho NLĐ tại công ty cổ phần có vốn nhà nước được mua cổ phần khi nhà nước thoái vốn tại công ty cổ phần đó.

Liên quan đến hỗ trợ hoạt động của tổ chức CĐ, Tổng LĐLĐVN kiến nghị Chính phủ cho cơ chế để tổ chức CĐ phát huy hiệu quả tài sản CĐ, vì hiện nay tài sản CĐ vẫn theo cơ chế quản lý tài sản công. Cụ thể là đề nghị Nhà nước giao quyền sở hữu tài sản (đất, tài sản trên đất) do tổ chức CĐ Việt Nam đang quản lý, sử dụng cho Tổng LĐLĐVN để tổ chức CĐ Việt Nam chủ động trong việc sử dụng, khai thác tạo nguồn thu tài chính CĐ phục vụ hoạt động CĐ và phong trào công nhân viên chức lao động; đề nghị Chính phủ có cơ chế cho phép các đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp CĐ không phải nộp thuế thu nhập DN mà nộp số tiền trên về Tổng LĐLĐVN để bổ sung cho kinh phí của tổ chức CĐ; đề nghị Chính phủ hỗ trợ Tổng LĐLĐVN triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị CĐ, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…). Trước mắt đề nghị hỗ trợ thí điểm tại 15 KCN, KCX tập trung, có đông CNLĐ, theo cơ chế xã hội hóa: Nhà nước hỗ trợ hạ tầng và cơ chế, chính sách, CĐ huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng; đề nghị Chính phủ cho phép Tổng LĐ xây dựng giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” để tôn vinh các DN quan tâm đến NLĐ.

Tiếp theo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo “Tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành về các kiến nghị của Tổng LĐLĐVN”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá sự phối hợp công tác giữa 2 bên tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng; việc nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin giữa hai bên đã chặt chẽ hơn. Theo đó, 12 nội dung thông báo Kết luận số 97 ngày 26.3.2015 được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc: 7/12 nội dung được thực hiện đúng tiến độ; còn lại đang thực hiện.

Về đề nghị của Tổng LĐ liên quan đến việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của CNLĐ tại các KCN- KCX (nhà ở, siêu thị CĐ, nhà trẻ, nhà văn hóa...), Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cho CNLĐ tại 15 KCN-KCX ở 15 địa phương trọng điểm (thông báo 142/TB-VPCP ngày 20.6.2016). Văn phòng Chính phủ đề nghị Tổng LĐ chủ trì hoàn thiện đề án theo quy định của Luật Đầu tư công, báo cáo Thủ tướng trong Quý III năm 2016.
Liên quan đến kiến nghị của Tổng LĐ về việc xây dựng giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” để tôn vinh các DN quan tâm đến NLĐ, ông Mai Tiến Dũng cho biết, theo quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28.7.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý, tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, Tổng LĐ được phép xây dựng giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”. Tuy nhiên, khi xây dựng giải thưởng cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, tổ chức xét, tôn vinh và trao giải thưởng cho DN.

Sự phối hợp giữa 2 bên trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn, nhất là nhiều vấn đề nóng bỏng, góp phần giải quyết mâu thuẫn xã hội, nhất là giới chủ và NLĐ được tốt hơn, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa trong DN, ổn định xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên cũng nhìn nhận còn tồn tại những hạn chế như trong công tác xây dựng văn bản, một số văn bản ban hành còn chưa phù hợp với thực tế; công tác xây dựng văn bản, chế độ chính sách liên quan đến công chức, NLĐ còn chậm; chưa giải quyết được vấn đề thiết chế văn hóa (nhà ở, siêu thị, nhà trẻ…) ở nhiều KCN, KKT, nên còn tình trạng CN không có nơi ở ổn định, thiếu không gian sinh hoạt tối thiểu về mặt tinh thần; NLĐ vẫn còn gặp nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe, tinh thần… Đặc biệt, nợ BHXH, BHYT còn rất lớn, trong khi đó việc xử lý chưa rõ và triệt để.

Về việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với ĐCT Tổng LĐLĐVN ngày 10.3.2015, Thủ tướng cho biết, có 12 nội dung cần triển khai thì 6 nội dung đã triển khai xong, còn lại đang tiến hành. Thủ tướng Nguyễn Xuấn Phúc đề nghị các bên liên quan tiếp tục triển khai, đặc biệt tập trung phối hợp chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.


Trước những kiến nghị của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến đề nghị Chính phủ hỗ trợ Tổng LĐLĐVN triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của CN LĐ tại các KCN, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị CĐ, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…).

Về đề nghị này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức CĐ tham gia xây dựng nhà ở tập thể cho CN, nhà giá rẻ cho CN được trong các năm 2016-2017. Trước hết, việc xây dựng nhà ở cho CN sẽ phải được triển khai tại 50 KCN-KCX tại các địa phương tập trung nhiều CN như Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TPHCM.... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giao Tổng LĐLĐVN chủ trì, hoàn thiện đề án để báo cáo chính phủ.

Đối với một số kiến nghị khác, Thủ tướng giao cho Tổng LĐ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ.


Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng tổ chức CĐ VN đoàn kết, quyết tâm xây dựng các cấp CĐ không ngừng lớn mạnh. “Tổ chức CĐ cần phát huy vai trò tích cực trong xây dựng chính sách, động viên CNVCLĐ thi đua sản xuât, góp phần ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, DN, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Đặc biệt các CBCĐ phải trau dồi kiến thức vươn lên trong tình hình mới, để không bị động; chủ động đề xuất những vấn đề liên quan đến NLĐ, tổ chức CĐ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cảm ơn và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các cấp CĐ thực hiện trong thời gian tới.

 

Theo Laodong.com.vn

Tin cùng chuyên mục