Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 12:58

Tuyên truyền - Giáo dục

Luật Trẻ em 2016

12/05/2016

Ngày 5 tháng 4 năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật trẻ em (Luật số 102/2016-QH 13). Luật có hiệu lực từ 01/6/2017 thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11.

Ngày 5 tháng 4 năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam  khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua Luật trẻ em (Luật số 102/2016-QH 13). Luật có hiệu lực từ 01/6/2017 thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11.

Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền được sống; được khai sinh và có quốc tịch; chăm sóc sức khỏe; được sống chung với cha mẹ; đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha mẹ; được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền của trẻ em khuyết tật, quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn... Luật cũng quy định rõ 05 bổn phận của trẻ em. Đó là bổn phận của trẻ em đối với gia đình; đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; đối với cộng đồng, xã hội; đối với quê hương, đất nước và với bản thân.

Luật vẫn giữ nguyên khái niệm “trẻ em là người dưới 16 tuổi”, trong đó đối tượng áp dụng bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Một số khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được làm rõ. Có 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó bổ sung các nhóm mới như trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Luật quy định rõ 15 hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em như tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em...

Luật Trẻ em 2016 thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Theo đó, trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Tại Chương VI, Luật quy định rõ những nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

BNC

 

 

Tin cùng chuyên mục