Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 13:08

Tin hoạt động ngân hàng

Chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14: Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

20/03/2016

Ngày 18/3/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp và hộ dân ở An Giang tham gia chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nắm bắt thêm tình hình thực tế, tháo gỡ những vướng mắc để sớm hoàn thiện c

Ngày 18/3/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp và hộ dân ở An Giang tham gia chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nắm bắt thêm tình hình thực tế, tháo gỡ những vướng mắc để sớm hoàn thiện các quy định về cho vay liên kết theo chuỗi.

Đánh giá về tình hình triển khai chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14, Thống đốc cho rằng, Nghị quyết 14 là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Sau một thời gian triển khai, có thể nói chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo ra chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, bước đầu giúp hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp, nông dân cùng hưởng lợi

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 hướng dẫn thực hiện Chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14 của Chính phủ với một số cơ chế tín dụng đặc thù như: Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm (hiện nay ngắn hạn: 6,5%/năm, trung hạn: 9,5%/năm, dài hạn: 10%/năm); Mức cho vay có thể lên đến 90% giá trị của phương án, dự án sản xuất; Trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền; Nếu một chuỗi liên kết có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ có thời gian dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu thì NHTM có thể xem xét áp dụng lãi suất ngắn hạn đối với khách hàng.

Trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được tham gia chương trình để thực hiện 31 dự án nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. 8 NHTM tham gia chương trình đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp với số tiền hơn 5.627 tỷ đồng. Theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN, thời gian thí điểm là 2 năm và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5/2016.

Sau một năm triển khai, qua khảo sát thực tế tại 8 địa phương để đánh giá tình hình triển khai của các địa phương này, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện từ NHNN chi nhánh 14 tỉnh còn lại, NHNN đánh giá việc triển khai Nghị quyết 14 đã ghi nhận được một số kết quả tích cực ban đầu: Đời sống của người dân tham gia chuỗi liên kết được cải thiện rõ rệt với thu nhập cao và ổn định hơn trước. Các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh nhờ ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng, chi phí hợp lý; tăng lợi nhuận và tăng khả năng tiếp cận thị trường khi được đảm bảo về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường và đặc biệt được tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp đầu mối đã đề nghị NHNN mở rộng vốn đầu tư, tăng mức cho vay đối với các dự án thuộc chương trình...Có thể nói, việc triển khai chương trình cho vay thí điểm đã bước đầu giúp hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến nay đã có 22/28 doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để triển khai 22/31 dự án với tổng số tiền giải ngân 6.937,24 tỷ đồng, cao hơn số tiền các NHTM cam kết cho vay toàn chương trình do trong quá trình thực hiện các doanh nghiệp được NHNN phê duyệt mở rộng thêm quy mô sản xuất.

Điểm sáng” An Giang

Chiều 18/3, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc với đại diện doanh nghiệp và các hộ nông dân tại huyện Châu Phú (An Giang) về Nghị quyết 14.

Căn cứ đề nghị của UBND tỉnh An Giang, trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, NHNN ban hành Quyết định số 1051/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 phê duyệt cho 4 doanh nghiệp của tỉnh được tham gia chương trình với tổng mức đầu tư của 4 dự án là 451,79 tỷ đồng, các NHTM cam kết cho vay số tiền 350,78 tỷ đồng (gồm Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An, Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang, Công ty Cổ phần XNK Thịnh Phú, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Tín Thương).

Đến cuối tháng 2/2016, tổng số tiền các NHTM giải ngân cho 4 dự án đạt 566,67 tỷ đồng, dư nợ đạt 325,11 tỷ đồng. Các dự án đều được giải ngân triển khai có kết quả, đặc biệt 2 dự án của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An và Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang triển khai rất tốt, đã được NHNN chấp thuận điều chỉnh tăng vốn vay để mở rộng quy mô dự án.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khảo sát thực tế sản xuất cá tra tại An Giang

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang và các doanh nghiệp, NHTM trên địa bàn An Giang ngày 18/3, đánh giá về tình hình triển khai Nghị quyết 14, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 5 năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Ngành ngân hàng đã cùng các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt để từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách hiệu quả. Nghị quyết 14 là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó Chính phủ giao NHNN là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện. Thống đốc đánh giá, sau một thời gian triển khai, có thể nói chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo ra chuỗi liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, bước đầu giúp hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Qua chương trình cho vay này, người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm sản xuất, chất lượng nông sản được nâng lên, qua đó thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế, cơ hội, ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nâng tầm, quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng tại buổi làm việc, Thống đốc đã giải đáp các thắc mắc và từng bước đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay theo Nghị quyết 14. Về một số kiến nghị của Công ty Thuận An, đối với việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm, Thống đốc NHNN cho rằng thí điểm chỉ có thời hạn nhất định, thời gian tới đây, NHNN sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách thành chủ trương của nhà nước, tiếp tục thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.

Đối với kiến nghị của Công ty Thuận An, trước mắt NHNN giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) xem xét, bàn với doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Đối với việc thí điểm phương án bảo hiểm giá cá tra thương phẩm, đề nghị bảo hiểm của doanh nghiệp rất phù hợp với chiều hướng phát triển chung của nông nghiệp nước ta và nhất định phải đi theo hướng đó. Tuy nhiên bảo hiểm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính, NHNN sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách phù hợp. Agribank đang có công ty Bảo hiểm ABIC, do đó, Agribank có thể nghiên cứu, làm trọn gói luôn từ khâu thẩm định, cho vay, bảo hiểm giá. Thống đốc đề nghị Agribank nghiên cứu, đối với nông nghiệp nói chung và đặc biệt là các dự án thí điểm tốt thì triển khai. Đối với vấn đề lãi suất, hiện nay, Công ty Thuận An đang được vay với lãi suất thấp hơn (6-6,5%) so với thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài lãi suất phải theo cơ chế thị trường để bảo đảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Để khuyến khích các doanh nghiệp và người nông dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Agribank cân nhắc để áp dụng mức lãi suất phù hợp.

Thống đốc biểu dương và ghi nhận những kết quả tỉnh An Giang đạt được trong sản xuất nông nghiệp gắn với đặc thù và thế mạnh của tỉnh. Thống đốc đề nghị UBND tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phát triển mô hình liên kết phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Phương Linh, Huy Thắng (theo SBV)

Tin cùng chuyên mục